MỘT THẾ GIỚI KHÁC

VinHome Ocean Park, thành phố của Vin, “đế chế” của Vin là một thế giới khác.
Khác, không chỉ là sự hoành tráng – Vin có thể khơi hồ, làm biển tại nơi cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km, xây những tòa ngang dãy dọc biệt thự triệu đô, mà còn ở sự tinh tươm đến từng viên gạch lát đường. Cái chất lượng, sạch sẽ của Vin thì không “ông nhà nước” nào có thể sánh nổi.
Và khác, còn bởi hôm nay là ngày mồng 2 tháng 9, ngoài kia thì rực rỡ cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu; còn ở đây, đi hết cả thành phố của Vin, chỉ nhìn thấy duy nhất một lá cờ.
Máu nghiên cứu nổi lên.
Đó chắc hẳn là nhà của một cụ “Khốt” ? 😂
Fb, 2/9/2020
12345678

10 NĂM HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC CỦA KHOA NHÂN HỌC Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Sáng nay, 28/8/2020, Khoa Nhân học tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động khoa học giai đoạn 2010-2020 và xây dựng định hướng của công tác này trong giai đoạn 2020-2030. Qua 10 năm, Khoa đã gặt hái được nhiều thành tựu trong thực hiện các đề tài nghiên cứu (cấp nhà nước, cấp Đại học Quốc gia, cấp bộ), tổ chức hội thảo khoa học và xuất bản phẩm. Nếu nhìn vào xuất bản phẩm – bằng chứng rõ nhất của kết quả hoạt động khoa học, Khoa đã có 46 công trình công bố quốc tế, trong đó có 24 bài báo ISI/Scopus, 7 chương sách do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín công bố; có 135 công trình công bố trong nước, trong đó có 20 cuốn sách chuyên khảo/tham khảo. Các xuất bản phẩm này thể hiện phương châm kiên định của Khoa: kiến tạo những hoạt động khoa học và các sản phẩm khoa học có chất lượng cao. Ví dụ, hai cuốn sách “Nhân học ở Việt Nam: Một số vấn đề nghiên cứu, lịch sử và đào tạo” (2016), và “Ảnh hưởng của trường phái Xô-viết trong nhân học ở Việt Nam” (2019) có thể được xem là những công trình ghi dấu sự phát triển không chỉ của Khoa, mà còn của ngành dân tộc học/nhân học Việt Nam.
Trong chiến lược phát triển khoa học của Khoa giai đoạn 2020-2030, phương châm trên sẽ tiếp tục được giữ vững. Khoa sẽ chú trọng về nhân học tộc người và một số lĩnh vực khác của nhân học (nhân học kinh tế, nhân học đô thị, nhân học y tế, nhân học môi trường, nhân học tôn giáo, nhân học nghệ thuật, nhân học du lịch…); gắn nghiên cứu với đào tạo, tư vấn chính sách và phát triển để xứng đáng là một đơn vị thuộc mô hình đại học nghiên cứu.
Fb, 28/8/2020

PHAN NGỌC BÀN VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA

Khi tổng kết nghiên cứu về tộc người ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, tôi vấp phải một vấn đề rất hóc búa, đó là bản sắc văn hóa. Để xử lý, ngoài tham khảo các tác giả nước ngoài, tôi phải đọc những tác giả Việt Nam bàn về vấn đề này, trong đó có cụ Phan Ngọc. Và tôi thấy, trong những ý kiến của các học giả Việt Nam, quan điểm của cụ Phan Ngọc có nhiều nét độc đáo, góp phần giải quyết được sự phức tạp về bản sắc, song cũng gợi ra vấn đề cần tiếp tục thảo luận.
Sau đây là một đoạn trích tôi tổng quan ý kiến của cụ Phan Ngọc bàn về bản sắc văn hóa Việt Nam:
“… Đến nay, mặc dù được sử dụng rất phổ biến trong xã hội Việt Nam, kể từ văn kiện của Đảng và Nhà nước, đến truyền thông hay công trình khoa học, song khái niệm và cách nhận diện về bản sắc vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo. Nhận xét các nghiên cứu về bản tính [hay bản sắc – T.G] dân tộc Việt Nam, tác giả Huyền Giang cho rằng, “hầu hết những bàn luận về vấn đề này đều dựa vào những quan sát và suy nghĩ theo lối kinh nghiệm”.
Trong số những trình bày liên quan đến vấn đề đang bàn, phải kể tới quan điểm của Phan Ngọc ở tác phẩm “Bản sắc văn hóa Việt Nam”. Trước hết, trong rất nhiều định nghĩa về văn hóa, ông rút ra định nghĩa của mình: “Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa trong cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ nhận thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác”. Ông xác định: “Nói đến bản sắc văn hóa là nói đến cái mặt bất biến của văn hóa trong quá trình phát triển của lịch sử. Dĩ nhiên, văn hóa là một hệ thống những quan hệ, không phải là những vật”; và cho rằng, “cái tạo thành tính bất biến của các hệ thống quan hệ này là những nhu cầu của tâm thức con người Việt Nam. Các nhu cầu này về cơ bản là như nhau ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, không liên quan tới tài sản, học vấn, và khá ổn định, mặc dầu một tầng lớp người có thể chiếm ưu thế so với các tầng lớp khác”.
Như vậy, định nghĩa về văn hóa của Phan Ngọc sau phần đầu khá trừu tượng, đã được cụ thể hóa, đó là sự lựa chọn; còn bản sắc văn hóa chính là nhu cầu của sự lựa chọn ấy. Quan điểm này hàm súc và dễ hiểu, dễ thực hành khi thao tác nghiên cứu, tuy nhiên sự bất biến của bản sắc trong lịch sử là điều còn khó hình dung”.
Fb, ngày 27/8/2020

GIÁO SƯ TRẦN QUỐC VƯỢNG: MỐI TƯƠNG GIAO VỚI DÂN TỘC HỌC

“Gần 50 năm hoạt động khoa học, với hàng trăm công trình được công bố, GS. Trần Quốc Vượng nổi lên như một hiện tượng độc đáo của khoa học xã hội Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Qua tư duy sắc bén, lòng nhiệt huyết và sự tài hoa của ông, những niên đại, sự kiện lịch sử, những chứng tích khảo cổ học hay văn hóa dân gian dường như bừng tỉnh để tự bạch về vai trò, ý nghĩa và sứ mệnh của mình trong dòng văn minh đất nước và văn minh nhân loại. Có thể nói, nhắc tới GS. Trần Quốc Vượng, trước hết phải cảm phục tầm trí tuệ của ông, song sẽ chưa đủ nếu không nhận thấy: ông còn là người đầy khí cốt SỐNG (chữ viết hoa sinh thời ông vẫn dùng). Và có lẽ, ông hấp dẫn cuộc đời cũng chính bởi hai phẩm chất này”.

Tưởng nhớ 15 năm ngày GS. Trần Quốc Vượng rời cõi tạm (8/8/2005-8/8/2020), mời các bạn đọc lại bài viết của Vương Xuân Tình về ông, đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 5/2005: “Giáo sư Trần Quốc Vượng: Mối tương giao với Dân tộc học”.
Toàn văn bài viết:

ĐẨY LÙI HÀNG TRUNG QUỐC Ở VÙNG BIÊN

Theo học thuyết biên giới mềm, hàng hóa của một quốc gia ở đâu là biên giới của quốc gia này đến đó.
Cách đây khoảng một thập kỷ, hàng hóa của Trung Quốc còn thống soái trong đời sống các dân tộc của Việt Nam tại vùng biên giới Việt – Trung. Song qua lần nghiên cứu này ở vùng biên thuộc huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng, chúng tôi thấy hàng hóa của Việt Nam về cơ bản đã đẩy lùi hàng hóa của Trung Quốc. Có xóm biên giới, người dân chỉ còn mua xì dầu là hàng Trung Quốc, còn hầu như hàng hóa phục vụ sinh hoạt đều của Việt Nam. Riêng các loại máy nông cụ (máy cày, máy quạt thóc, máy tẽ ngô), phần lớn vẫn của Trung Quốc.
Có thể coi đây là một thắng lợi của Việt Nam. Thắng lợi đó trước hết do hàng Việt Nam chất lượng hơn hàng Trung Quốc được bán ở khu vực này. Sau nữa, còn bởi hệ thống đường sá được trải nhựa hoặc bê tông đã kết nối đến tận các xóm vùng biên.
Hy vọng 5 năm tới, các hàng nông cụ của Việt Nam đẩy lùi được hàng Trung Quốc.
Cao Bằng, tháng 7-8/2020
FB, ngày 1/8/2020

CƠM Ở VIỆT NAM: TỪ DINH DƯỠNG ĐẾN CHỨC NĂNG XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA

Bài viết này của Vương Xuân Tình đăng trên Tạp chí Văn hóa học, Số 2/2020.

Tóm tắt bài viết:

Sinh sống tại khu vực được coi là một trong những cái nôi của cây lúa, các tộc người ở Việt Nam dùng gạo làm nguồn lương thực chính và cơm là món rất quan trọng trong bữa ăn hàng ngày. Tùy theo vùng sinh thái, điều kiện thực tế và truyền thống văn hóa, các tộc người chế biến được nhiều loại cơm khác nhau. Dựa theo nguồn nguyên liệu, có các loại cơm tẻ, cơm tấm, cơm nếp, cơm độn, cơm hến; dựa theo cách chế biến, có cơm nấu, cơm đồ, cơm lam, cơm hấp lá sen, cơm niêu, cơm chiên, cơm nướng, cơm cháy… “Cơm ba bát, áo ba manh”, “Cơm tẻ, mẹ ruột” là những thành ngữ nói về vị thế dinh dưỡng của cơm trong đời sống con người. Cơm không chỉ là món ăn, mà còn được khái quát hóa thành bữa ăn. Bữa cơm là một yếu tố quan trọng để gắn kết các thành viên trong gia đình, cộng đồng và còn phản ánh điều kiện sống hay phân tầng xã hội (cơm thợ, cơm đồng, cơm đèn, cơm vua). Cơm cũng trở thành các biểu tượng văn hóa đặc sắc, như cơm là gốc của đời sống, biểu hiện của giàu sang hay hèn kém, và gắn với các ứng xử xã hội liên quan. Do có vị trí quan trọng trong đời sống nên cơm còn gắn với rất nhiều hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, như trong thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh, tang ma hay các nghi lễ khác.

Từ khóa: Cơm, tộc người, Việt Nam, chế biến, dinh dưỡng, xã hội, văn hóa.

Toàn văn bài viết:

Cơm ở Việt Nam_Từ dinh dưỡng đến chức năng xã hội và văn hóa

TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI VỚI NÂNG CAO NĂNG LỰC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM

Bài viết của Vương Xuân Tình đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 3, 2020.

Tóm tắt bài viết:

Từ khi Đổi mới (1986), Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (INGOs). Trong 63 tỉnh, thành phố được INGOs đầu tư, có 24 tỉnh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhận được 21% tổng số viện trợ của INGOs. Các dự án thuộc INGOs triển khai tại vùng này gồm nhiều hợp phần, song thường có hợp phần liên quan đến nâng cao năng lực ở các lĩnh vực: y tế, giáo dục, chăm sóc và bảo vệ nhóm yếu thế; hoạt động sinh kế; tổ chức, quản lý gia đình và phát triển cộng đồng. Hoạt động nâng cao năng lực của INGOs tác động tích cực đến phát triển nguồn nhân lực của các dân tộc thiểu số, thay đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện các quyền của nhóm yếu thế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người, xây dựng mô hình phát triển ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Song, hoạt động này cũng còn những hạn chế do nguồn vốn của INGOs hạn hẹp, có mô hình chưa phù hợp với điều kiện địa phương, sự quan liêu ở một số cán bộ của cơ quan đối tác.      

Từ khóa: Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, nâng cao năng lực, dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Việt Nam.

Toàn văn bài viết:

Tổ chức phi chính phủ nước ngoài với nâng cao năng lực các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

THUA TRẮNG BỤNG VỀ LÝ LUẬN TRÊN SÂN NHÀ

Những nước như Việt Nam, công tác lý luận vô cùng quan trọng. Điểm then chốt của lý luận này là phải kiên định và làm sáng tỏ chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện của Việt Nam, đúng như GS.TS. Phùng Hữu Phú đã trình bày.

Có thể nói, với chủ nghĩa Mác – Lênin, thuyết tiến hóa được coi như xương sống. Phát triển từ thuyết tiến hóa về sinh học, thuyết tiến hóa xã hội của chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, xã hội loài người phát triển từ thấp đến cao, trải qua 5 hình thái kinh tế – xã hội (nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư bản, và cộng sản) là một tất yếu khách quan.

Nhưng trong khoảng 2 thập kỷ qua ở Việt Nam, thuyết tiến hóa bị phê phán dữ dội trong diễn ngôn khoa học và truyền thông. Thay vì thuyết tiến hóa xã hội, các thuyết như tương đối văn hóa (không có văn hóa cao, văn hóa thấp và nhìn nhận văn hóa phải đặt trong bối cảnh cụ thể), thuyết đa dạng văn hóa (đa dạng văn hóa có giá trị như đa dạng sinh học) rất được đề cao.

Vậy mà, tôi chưa thấy một ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương nào đứng ra bảo vệ thuyết tiến hóa; thậm chí nhiều vị rất gật gù với các thuyết tương đối văn hóa và đa dạng văn hóa.

Như thế, chí ít là các quý vị không hoàn thành nhiệm vụ.

Còn nặng hơn, thì đã thua trắng bụng về lý luận trên sân nhà.

Fb, ngày 11/6/2020

NGÔ ĐỨC THỊNH – NGƯỜI ANH LỚN CỦA TÔI TRONG KHOA HỌC

Vào lúc 7 giờ 20 phút sáng nay, ngày 6/6/2020, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã về với thế giới người hiền, hưởng thọ 76 tuổi.

GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một nhà nghiên cứu văn hóa có tầm vóc, trên nền tảng của một nhà dân tộc học. Ông từng có nhiều năm công tác ở Viện Dân tộc học, bởi vậy, những công trình nghiên cứu của ông khó bóc tách đâu là dân tộc học, đâu là văn hóa dân gian. Vả chăng, ranh giới giữa hai ngành khoa học này cũng mỏng manh.

Có lẽ với gốc nguồn và bối cảnh như thế nên mặc dù GS.TS. Ngô Đức Thịnh có cống hiến lớn trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt trong những năm tháng ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (1994-2004), và khi nghỉ hưu, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam – một tổ chức NGO, song chúng tôi vẫn luôn nhận ông là người của dân tộc học.

Với dân tộc học Việt Nam, nếu tính từ GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, người có công khai mở cho ngành khoa học này, GS.TS. Ngô Đức Thịnh được coi là thuộc thế hệ thứ ba, sau những tên tuổi lớn của thế hệ thứ hai, như các nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Hữu Dật, Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Diệp Đình Hoa, Mạc Đường…

Với tôi, GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một người anh lớn trong khoa học, và chắc nhiều người thế hệ tôi cũng ngưỡng mộ ông.

Trí lự và sắc bén. Trong phạm vi của dân tộc học, GS.TS. Ngô Đức Thịnh quan tâm rất nhiều lĩnh vực, như trang phục, nông cụ, ẩm thực, luật tục, sử thi, tín ngưỡng dân gian. Có cảm tưởng rằng, bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào mà ông để mắt tới cũng sẽ gặt hái được thành tựu. Song trong nhiều lĩnh vực như đã nói, kết quả nghiên cứu về luật tục, sử thi và tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ nhất trí lự, sắc bén của ông, kể cả tổ chức nghiên cứu và học thuật.

Nghiên cứu luật tục, GS.TS. Ngô Đức Thịnh đã truyền cảm hứng, kết nối các nhà nghiên cứu của nhiều ngành khoa học trong và ngoài nước tham dự, như văn hóa dân gian, dân tộc học, sử học, luật học, môi trường, nông nghiệp. Là người đặt nền tảng quan trọng cho nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, ông và cộng sự đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của các tộc người khu vực này. Nghiên cứu Đạo Mẫu, ông đã có đóng góp lớn để UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể. GS.TS. Ngô Đức Thịnh còn được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong vận dụng và xây dựng lý thuyết nghiên cứu, thể hiện qua các công trình “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam”, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam”.

Trí lự và sắc bén như vậy, nên chắc không quá lời khi ví ông như chim đại bàng trong một lĩnh vực khoa học.

Song vẫn còn thiếu nếu không nhắc đến công lao đào tạo của ông. Có lần ông chia sẻ với tôi, đại ý: Trong cơ chế này, khó đào tạo người kế nhiệm mình, song vẫn có thể đào tạo đội ngũ khoa học kế cận mình.

Tôi tin rằng, nhiều học trò và cộng sự của GS.TS. Ngô Đức Thịnh thấm thía điều đó.

Ảnh: GS.TS. Ngô Đức Thịnh trong buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của Vương Xuân Tình, năm 1999.

20200606_175017 (1)

BẢO TỒN TÀI NGUYÊN DO CỘNG ĐỒNG QUẢN LÝ

Khu bảo tồn tài nguyên do cộng đồng quản lý là nơi có giá trị đa dạng sinh học và giá trị văn hóa của địa phương, được cộng đồng sở tại tự nguyện bảo tồn bằng luật tục hoặc các giải pháp quản lý hiệu quả. Đó có thể là các khu rừng thiêng, rừng đầu nguồn, hang động hay bãi chăn thả. Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã thừa nhận loại hình bảo tồn này.

Tại Việt Nam, Luật lâm nghiệp năm 2017 công nhận có loại “Rừng tín ngưỡng”, và cộng đồng dân cư là một trong những chủ rừng. Ngoài ra, các Luật đa dạng sinh học, Luật di sản văn hóa cũng có những điều liên quan. Thực tế hiện nay, nhiều khu rừng do cộng đồng quản lý có giá trị bảo tồn, với diện tích từ một đến vài trăm ha.

Dựa trên cơ sở đã nêu, Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) trong những năm qua đã có hoạt động để góp phần thúc đẩy bảo tồn tài nguyên do cộng đồng quản lý. Từ ngày 16-20/5/2020, một cuộc tập huấn đã được PanNature tổ chức tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Tham gia tập huấn, có đại diện của cơ quan ở Trung ương, địa phương và NGO. Tập huấn đi sâu vào việc tài liệu hóa các giá trị văn hóa và bản đồ hóa khu bảo tồn này.

Hình ảnh ghi lại một số hoạt động của cuộc tập huấn được đăng trên facebook: