NGÔ ĐỨC THỊNH – NGƯỜI ANH LỚN CỦA TÔI TRONG KHOA HỌC

Vào lúc 7 giờ 20 phút sáng nay, ngày 6/6/2020, GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã về với thế giới người hiền, hưởng thọ 76 tuổi.

GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một nhà nghiên cứu văn hóa có tầm vóc, trên nền tảng của một nhà dân tộc học. Ông từng có nhiều năm công tác ở Viện Dân tộc học, bởi vậy, những công trình nghiên cứu của ông khó bóc tách đâu là dân tộc học, đâu là văn hóa dân gian. Vả chăng, ranh giới giữa hai ngành khoa học này cũng mỏng manh.

Có lẽ với gốc nguồn và bối cảnh như thế nên mặc dù GS.TS. Ngô Đức Thịnh có cống hiến lớn trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, đặc biệt trong những năm tháng ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (1994-2004), và khi nghỉ hưu, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam – một tổ chức NGO, song chúng tôi vẫn luôn nhận ông là người của dân tộc học.

Với dân tộc học Việt Nam, nếu tính từ GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, người có công khai mở cho ngành khoa học này, GS.TS. Ngô Đức Thịnh được coi là thuộc thế hệ thứ ba, sau những tên tuổi lớn của thế hệ thứ hai, như các nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi, Đặng Nghiêm Vạn, Phan Hữu Dật, Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Diệp Đình Hoa, Mạc Đường…

Với tôi, GS.TS. Ngô Đức Thịnh là một người anh lớn trong khoa học, và chắc nhiều người thế hệ tôi cũng ngưỡng mộ ông.

Trí lự và sắc bén. Trong phạm vi của dân tộc học, GS.TS. Ngô Đức Thịnh quan tâm rất nhiều lĩnh vực, như trang phục, nông cụ, ẩm thực, luật tục, sử thi, tín ngưỡng dân gian. Có cảm tưởng rằng, bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào mà ông để mắt tới cũng sẽ gặt hái được thành tựu. Song trong nhiều lĩnh vực như đã nói, kết quả nghiên cứu về luật tục, sử thi và tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ nhất trí lự, sắc bén của ông, kể cả tổ chức nghiên cứu và học thuật.

Nghiên cứu luật tục, GS.TS. Ngô Đức Thịnh đã truyền cảm hứng, kết nối các nhà nghiên cứu của nhiều ngành khoa học trong và ngoài nước tham dự, như văn hóa dân gian, dân tộc học, sử học, luật học, môi trường, nông nghiệp. Là người đặt nền tảng quan trọng cho nghiên cứu sử thi Tây Nguyên, ông và cộng sự đã góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của các tộc người khu vực này. Nghiên cứu Đạo Mẫu, ông đã có đóng góp lớn để UNESCO công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể. GS.TS. Ngô Đức Thịnh còn được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng trong vận dụng và xây dựng lý thuyết nghiên cứu, thể hiện qua các công trình “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam”, “Hệ giá trị văn hóa Việt Nam”.

Trí lự và sắc bén như vậy, nên chắc không quá lời khi ví ông như chim đại bàng trong một lĩnh vực khoa học.

Song vẫn còn thiếu nếu không nhắc đến công lao đào tạo của ông. Có lần ông chia sẻ với tôi, đại ý: Trong cơ chế này, khó đào tạo người kế nhiệm mình, song vẫn có thể đào tạo đội ngũ khoa học kế cận mình.

Tôi tin rằng, nhiều học trò và cộng sự của GS.TS. Ngô Đức Thịnh thấm thía điều đó.

Ảnh: GS.TS. Ngô Đức Thịnh trong buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của Vương Xuân Tình, năm 1999.

20200606_175017 (1)

Leave a comment