QUAN HỆ TỘC NGƯỜI XUYÊN BIÊN GIỚI Ở KHU VỰC MIỀN NÚI PHÍA BẮC

Đây là một chương của Vương Xuân Tình trong cuốn sách “Vietnamese Culture from the Perspective of Anthropology” (Văn hóa Việt Nam dưới tiếp cận của Nhân học”, xuất bản bằng tiếng Trung ở Đài Loan, năm 2024. Công trình sách này dựa trên kết quả của Hội thảo quốc tế cùng tên, do Khoa Văn học Đài Loan, Trung tâm Việt Nam học, Đại học Quốc gia Thành Công, Đài Loan và Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh đồng tổ chức, ngày 27-28/5/2023 tại Đài Loan.

Tóm tắt bài viết:

Các tộc người thiểu số vùng miền núi phía Bắc Việt Nam có quan hệ xuyên biên giới từ rất lâu đời, dựa trên thiết chế địa phương vắt qua đường biên với nòng cốt là gia đình, dòng họ, đồng tộc và bạn bè. Mối quan hệ ấy càng được thúc đẩy trong bối cảnh đương đại khi Việt Nam, Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thực hiện chính sách phát triển, hội nhập, thể hiện rõ nhất qua các dòng chảy về buôn bán, di cư lao động, hôn nhân và tội phạm xuyên biên giới. Tuy nhiên, ở vùng biên giới Việt – Trung, do sự chênh lệch về phát triển nên dòng chảy di cư lao động và hôn nhân diễn ra đơn tuyến, tức chủ yếu người Việt Nam sang lao động và phụ nữ Việt Nam lấy chồng ở Trung Quốc.

Từ khóa: Tộc người thiểu số, xuyên biên giới, miền núi phía Bắc, Việt Nam. 

Toàn văn bài viết bằng tiếng Trung:

         

Luận án Tiến sĩ: VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI CHĂM AHIÉR Ở HUYỆN NINH PHƯỚC, TỈNH NINH THUẬN

Hôm nay, ngày 25/1/2024, Trần Thị Thái (cán bộ Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ), học trò của tôi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn hóa học với đề tài nêu trên tại Khoa Văn hóa – ngôn ngữ học, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Nếu chỉ tính nghiên cứu về ẩm thực, đây là luận án thứ 5 tôi hướng dẫn. Bốn luận án trước theo hướng tiếp cận dân tộc học/nhân học và sử học, còn luận án này nghiêng về văn hóa học. Luận án dùng ẩm thực Chăm để diễn giải văn hóa Chăm bằng tiếng nói của người trong cuộc qua khám phá ý nghĩa của các thực hành ẩm thực, đặt ẩm thực trong hệ thống thế giới quan, cấu trúc và quan hệ xã hội của người Chăm.

Tôi đã nghiên cứu ẩm thực ở một số tộc người, song phải thừa nhận ẩm thực của người Chăm Ahiér (còn gọi là Chăm Bàlamôn) thật hấp dẫn. Nhưng hiểu được ý nghĩa của thực hành ẩm thực này không đơn giản, nhất là ẩm thực gắn với nghi lễ trong chu kỳ đời người và thờ thần linh, bởi nó thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan của người Chăm Ahiér. Đây là điểm khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu mà Trần Thị Thái phải vượt qua.

Rất may là trong thời gian Trần Thị Thái làm luận án, tôi có tham gia một đề tài ở Viện Dân tộc học trùng địa điểm nghiên cứu của em nên được tới thăm các gia đình và cộng tác viên mà em từng gặp gỡ, được ăn món ăn Chăm trong ngày lễ hội Katê, được theo dòng người đội lễ lên đền tháp. Bởi vậy, tôi cũng dễ hình dung hơn khi đọc luận án của em.

Trần Thị Thái là học trò xứ Nghệ thứ ba mà tôi hướng dẫn luận án Tiến sĩ. Ba học trò xứ Nghệ của tôi mỗi người mỗi hoàn cảnh, song họ đều có điểm giống nhau là sự nỗ lực vượt bậc. Hành trình làm luận án của Trần Thị Thái kéo dài tới 7 năm, với khởi đầu chỉ có vốn liếng nhiều về ngôn ngữ học. Vậy nhưng, chưa khi nào tôi thấy em nản chí. Cứ từng bước, từng bước một vượt lên để bổ túc nền tảng của văn hóa học, dân tộc học/nhân học, tiếng Anh, tộc người Chăm và ẩm thực.

Vì thế, kết quả luận án của em hôm nay là hoàn toàn xứng đáng.

P/s: Ảnh 1-3 là trong buổi bảo vệ luận án của Trần Thị Thái, ngày 25/1/2024; các ảnh từ 4-17 ghi lại cảnh Thái cùng đoàn cán bộ của Viện Dân tộc học trong ngày hội Katê của người Chăm ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận năm 2019.

Fb, ngày 25/1/2024

Kỷ niệm đáng nhớ về điền dã dân tộc học trong nghiên cứu của cuốn sách: Ý THỨC QUỐC GIA – DÂN TỘC Ở CÁC TỘC NGƯỜI VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Cuốn sách “Ý thức quốc gia – dân tộc ở các tộc người vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc” do Nguyễn Thị Thanh Bình và Vương Xuân Tình đồng chủ biên đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành vào tháng 12/2023. Đây là tác phẩm dựa trên kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ ở Viện Dân tộc học, do PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Bình, Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc học làm chủ nhiệm, được triển khai từ năm 2021-2022, và khi nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Tôi từng tham gia nhiều đề tài nghiên cứu cấp bộ và cấp nhà nước, song đây là một trong những đề tài để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất trong điền dã dân tộc học.

Trước hết phải nói rằng, đề tài này vào loại hóc búa của dân tộc học Việt Nam. Là bởi, nghiên cứu về các dạng thức văn hóa tộc người (theo nghĩa rộng) như sinh kế, ẩm thực, trang phục, nhà cửa, làng bản, tổ chức xã hội, hương ước, gia đình, dòng họ, hôn nhân, di dân, quan hệ tộc người, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, quá trình tộc người… thì nhiều nhà dân tộc học đã làm, song xem xét về ý thức quốc gia – dân tộc lại chưa có ai. Ngay cả khi tổng quan các nghiên cứu của nước ngoài, chúng tôi cũng chưa đọc được mấy tác phẩm chuyên sâu về lĩnh vực đó. Mặt khác, việc đo lường ý thức quốc gia – dân tộc của công dân không dễ, và cần có phương pháp liên ngành, đặc biệt là dân tộc học – tâm lý học, qua các khía cạnh tình cảm, nhận thức và hành động.

Nghiên cứu về ý thức quốc gia – dân tộc ở vùng biên, đề tài đã chọn vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc để khảo sát. Có thể nói, đây là tuyến nhạy cảm nhất trong ý thức quốc gia – dân tộc của các tộc người ở Việt Nam khi đặt trong bối cảnh lịch sử mối quan hệ với những quốc gia láng giềng. Vẫn tại vùng biên đó, do nguồn lực của đề tài cấp bộ có hạn nên chỉ giới hạn điểm nghiên cứu ở tỉnh Hà Giang. Tại sao lại Hà Giang? Bởi đây là khu vực khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 do Trung Quốc gây ra. Vẫn ở tỉnh Hà Giang, đề tài chọn bốn tộc người là Tày, Nùng, Hmông và Lô Lô tại các xã biên giới của hai huyện Vị Xuyên và Đồng Văn để khảo sát. Vị Xuyên là mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Song khi điền dã ở người Hmông tại xã Lao Chải của huyện Vị Xuyên, thấy mối quan hệ tộc người xuyên biên giới Việt – Trung hạn chế nên theo thông tin của Ban Dân tộc tỉnh, đề tài mở thêm một điểm nghiên cứu về tộc người này ở xã Phú Lũng, huyện Yên Minh.

Điểm đặc biệt khi nghiên cứu điền dã của đề tài là được triển khai trong lúc đất nước và thế giới đang bị đại dịch Covid-19 hoành hành, nên phải căn cứ vào tình hình thực tế dịch bệnh ở Hà Nội và địa phương để tiến hành cho phù hợp. Sau đợt thứ nhất đi thực địa ở huyện Vị Xuyên vào tháng 11/2021, đến tháng 1/2022, tức gần giáp Tết Nhâm Dần, chủ nhiệm đề tài lên kế hoạch điền dã lần thứ hai tại huyện Đồng Văn (sau đó thêm huyện Yên Minh) vì theo thông tin từ tỉnh Hà Giang, lúc này dịch chưa bùng phát trở lại và tỉnh vẫn đồng ý đón tiếp các đoàn công tác từ Hà Nội.

Mọi người trong nhóm nghiên cứu nhất trí với kế hoạch triển khai của chủ nhiệm đề tài, nhưng riêng tôi thì băn khoăn vì đang gặp hoàn cảnh nan giải. Lúc ấy, bố vợ tôi rất yếu, và theo nhận định của các bác sĩ thì cụ sẽ ra đi trong thời gian gần, có thể là vài tuần hoặc một hai tháng sau. Song diễn biến sức khỏe của cụ như vậy cũng không bất thường, bởi trong khoảng ba năm kể từ lúc bị đột quỵ, đã mấy lần tưởng cụ sẽ ra đi nhưng được các bác sĩ và gia đình chăm sóc chu đáo, cụ lại hồi sức. Tuy nhiên, đó là những lần trước, còn lần này thì nào ai dám chắc cũng như vậy. Bố mẹ vợ tôi lại chỉ còn duy nhất một người con là vợ tôi, vì em vợ đã mất. Tôi trao đổi việc đó với chị Bình – chủ nhiệm đề tài, thì lại đặt ra cho chị nỗi lo mới. Chắc chắn là chị không muốn thay tôi bằng một cán bộ khác, vì tôi đã tham gia đề tài từ khâu thiết kế đề cương; song nếu kéo dài thời gian rồi tiếp tục triển khai điền dã lần hai, biết đâu dịch lại nổi lên và khó thực hiện thì sao?

Tôi đem điều ấy nói chuyện với vợ và mẹ vợ tôi. May là hai người đều rất coi trọng công việc của tập thể nên khuyên tôi cứ tự quyết. Vậy là tôi quyết định sẽ tiếp tục tham gia đoàn công tác, nhưng phải bàn kế hoạch rất chi tiết với vợ nếu chẳng may trong thời gian tôi vắng nhà, bố vợ tôi ra đi thì phải làm như thế nào, và tôi sẽ xử lý tình huống ở thực địa ra sao. Để yên tâm hơn, tôi còn khởi thảo cả điếu văn cho cụ mà chỉ vợ tôi được biết.

Tôi trao đổi lại với chị Bình và đoàn công tác để chị dự liệu tình huống nếu điều không may xảy ra với nhà tôi, và chuẩn bị kế hoạch khi tôi phải rời thực địa sớm.

Vậy là suốt chặng điền dã lần ấy, ngoài công việc chuyên môn, tôi còn mang nỗi lo nơm nớp về cuộc gọi của vợ có thể rung lên bất kỳ lúc nào. Thêm nữa, khi đoàn công tác lên tới tỉnh Hà Giang thì dịch Covid-19 ở đây lại bùng phát, và nếu quyết định đi chậm hơn mấy ngày, chắc chắn sẽ không thực hiện được. Tới mức, khi đoàn chúng tôi từ huyện Yên Minh trở về, định dừng ở huyện lỵ Quản Bạ để ăn trưa nhưng đành chịu, vì rất nhiều nhà mặt phố đã chăng dây, tức dấu hiệu có người nhiễm Covid-19. Phải đến huyện lỵ Vị Xuyên, đoàn mới ăn cơm và nghỉ lại để sáng sớm hôm sau về Hà Nội.

Lúc ấy, tôi mới trút đi được nỗi lo canh cánh, và cả đoàn công tác cũng chia sẻ với tôi.

Hơn một tháng sau thì bố vợ tôi ra đi. Cụ thọ 89 tuổi.

Fb, ngày 8/2/2024

MẠNG LƯỚI XÃ HỘI CỦA MỘT SỐ TỘC NGƯỜI TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Sách có tiêu đề nêu trên do TS. Lê Minh Anh và TS. Lê Thị Mùi đồng chủ biên, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành cuối năm 2023. Tôi có vinh dự là một trong bảy tác giả của cuốn sách. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ ở Viện Dân tộc học, rõ hơn là của Phòng Nghiên cứu xã hội tộc người thuộc Viện, triển khai từ năm 2019-2020, với địa bàn khảo sát là tỉnh Cao Bằng.

Năm 2016 khi nghỉ quản lý, tôi được lãnh đạo Viện phân công về làm việc ở Phòng Nghiên cứu xã hội tộc người và sau đó tham gia đề tài này. Ở Việt Nam, nghiên cứu về mạng lưới xã hội chủ yếu được các nhà xã hội học quan tâm, song có những quan niệm cùng cách triển khai khác nhau. Khi tổng quan tài liệu, chúng tôi có tham khảo một số quan điểm, nhưng chưa tìm ra công trình được triển khai một cách bài bản, tức theo đúng quy trình nghiên cứu có điền dã. Nói vậy chỉ để thấy sự khó khăn của nhóm nghiên cứu, nhất là nghiên cứu mạng lưới xã hội của các tộc người ở vùng biên, nơi mà trước đó chưa ai làm.

Lý do để nghiên cứu mạng lưới xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc là bởi tính phức tạp trong quan hệ tộc người xuyên biên giới nơi đây. Mấy thập kỷ qua, các cấp quản lý cả vi mô và vĩ mô đều rất khó khăn trong xử lý tình huống di dân lao động và các hoạt động xuyên biên giới khác. Hàng chục vạn lao động của Việt Nam đi làm ăn bất hợp pháp ở Trung Quốc mỗi năm, trong đó phần lớn thuộc các dân tộc thiểu số, là vấn đề đáng quan tâm về tính bền vững của sinh kế và an ninh chính trị vùng biên. Đó còn chưa kể những lĩnh vực khác như hôn nhân, buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới. Nghiên cứu về mạng lưới xã hội ở đây chính là góp phần nhìn nhận các vấn đề ấy.

Tham gia thực hiện đề tài, ngoài báo cáo, tôi đóng góp được ba bài tạp chí: 1- Nghiên cứu mạng lưới xã hội trên thế giới (Tạp chí Dân tộc học, Số 2, 2019); 2- Không gian thứ ba và mạng lưới xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Tạp chí Dân tộc học, Số 5, 2020); 3- Biến đổi về loại hình mạng lưới xã hội của các tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Tạp chí Dân tộc học, Số 3, 2021). Đáng lưu ý là bài thứ hai: Cho tới khi thực hiện đề tài này, dù đã hàng chục năm nghiên cứu vùng biên và biết nơi đây là khu vực cực kỳ phức tạp, song tại sao lại phức tạp thì phải dưới cái nhìn của lý thuyết không gian thứ ba, hay còn gọi là không gian mờ, tôi mới ưng ý về luận giải. Tôi coi đây là một cái duyên trong nghiên cứu, mà không phải lúc nào cũng gặp. Bạn nào muốn tham khảo các bài này, có thể vào trang Blog của tôi (1- https://tinhvuongxuan.wordpress.com/…/nghien-cuu-ve…/; 2- https://tinhvuongxuan.files.wordpress.com/…/khong-gian…; 3- https://tinhvuongxuan.wordpress.com/2021/07/09/3634/).

Sau cùng, có một nhận xét tinh tế của biên tập viên Nhà xuất bản Khoa học xã hội về cuốn sách này khi mới ấn hành, đó là sự gắn kết với cuốn sách “Ý thức quốc gia – dân tộc ở các tộc người vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc” do Nguyễn Thị Thanh Bình và tôi đồng chủ biên, tức đọc quyển này thì sẽ hiểu thêm quyển kia.

P/s: Các ảnh trong Stt này ghi lại cảnh quan và các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm ở hai huyện Bảo Lạc và Trùng Khánh (Cao Bằng) của nhóm nghiên cứu vào năm 2019 và 2020.

Fb, ngày 17/2/2024

TÀ QUYỀN

Xuất hành đầu năm Giáp Thìn 2024 vào ngày mồng 6 tháng Giêng, tôi chọn đền thờ Trạng nguyên khai khoa – Thái sư Lê Văn Thịnh (1050-1096) và khu di tích Lệ Chi Viên, nơi xảy ra thảm án tru di tam tộc quan đại thần Nguyễn Trãi (1380-1442). Hai nơi này thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội trên dưới 50 km. Lê Văn Thịnh và Nguyễn Trãi thuộc hàng đại trí thức của Việt Nam trong lịch sử, đều chấp chính, song cuối cùng đều mắc họa tà quyền.

Đã bao người luận bàn về cái họa của hai ông (bị vu mưu giết vua và giết vua), nhưng có lẽ sâu sắc nhất lại là tác giả khuyết danh, qua tác phẩm điêu khắc rồng/rắn tìm thấy ở lòng đất của khu đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Đó là tượng một con rồng/rắn cuộn khúc, “miệng cắn thân, chân xé mình”, tai thông tai điếc. Đến nay, nhiều người vẫn tranh cãi về ngụ ý của bức tượng này.

Tôi thì đồ rằng, bức tượng ấy là của người đời sau hàm ý phê phán vua Lý Nhân Tông. Song tác giả rất “kín võ”: tạc một con vật nửa rồng nửa rắn (để không bị quy chụp), tai điếc tai thông nên nghe lời xàm triệt hạ hiền tài, và như vậy là tự cắn xé mình – “ngu” hơn cả lấy đá ghè chân mình.

Nhìn bức tượng, rợn gáy.

Thế mới thấy cổ nhân cao thâm,

Hơn biểu tượng “Giọt lệ” bằng đá ở khu di tích Lệ Chi Viên của học sĩ thời nay.

Ngày 6-10 tháng Giêng năm Giáp Thìn, 2024.

Fb, ngày 18/2/2024

“ĐÓI TÌNH”

Tôi biết Tạ Văn Thông – tác giả của tập thơ TRONG GIẤC MƠ CỔ TÍCH (Nxb. Đại học Thái Nguyên, 2023) từ ngày học ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào đầu những năm 70. Anh học Khoa Văn, tôi học Khoa Sử, mà sinh viên của hai khoa lại cùng ở một ngôi nhà tầng, chỉ khác cầu thang. Và anh rất dễ nhớ, bởi nổi bật với cái dáng thư sinh trắng trẻo cao gầy. Sau này, chúng tôi lại có mối quan tâm chung là vấn đề tộc người ở Việt Nam: anh nghiên cứu về ngôn ngữ, còn tôi nghiên cứu về văn hóa. Song chúng tôi cũng có sự khác nhau, ấy là tôi thì tuyệt tình với thơ, còn anh lại dan díu với thơ cả đời, dù có là Phó Giáo sư Tiến sĩ đi nữa.

Nhiều bài thơ hay đoạn thơ trong tập này tôi đã được đọc cách đây mấy năm trên Facebook của anh. Ngày ấy, anh cùng với anh Phạm Văn Tình (nhà ngôn ngữ học) là một “cặp” thật vui, có lúc náo động cả làng phây. Vì hễ anh “ra thơ” là Phạm Văn Tình cũng có thơ họa, họa vui đùa là chính. Sau thấy anh nghỉ Facebook, chắc là để toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp thơ.

Ai đó bảo rằng thơ theo “tạng” người. Tạ Văn Thông là nhà ngôn ngữ học nên ngôn ngữ thơ của anh trau chuốt, đặc biệt, anh rất thích dùng ngôn ngữ dân gian. Chẳng hạn, anh gọi là “con dện” chứ không phải “con nhện”. Làng tôi xưa cũng gọi thế, nhưng chắc giờ chả ai nói vậy nữa. Anh gọi là “giời”, chứ không phải “trời” (“Dối lòng gặp lúc giời mưa/ buồn trông con dện hững hờ… giăng nhau”). Nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số của anh cũng thấp thoáng trong thơ. Song trở lại câu chuyện về “tạng”. Thực sự, cái “tạng” của anh là duy tình. Thế nên trong thơ, anh cứ như một gã “đói tình” 😀. Trong 153 bài của tập thơ, hầu như bài nào cũng lụy tình, không lối nọ thì đường kia. Có bài như THẾ CỜ BẤT ĐẮC DĨ, ngỡ tưởng anh chỉ luận bàn hay chiêm nghiệm về nhân thế, mà rốt cuộc vẫn nảy ra câu: “Thế thời thằng ‘tốt thí’/ thời thế phải xung phong/ ơi cô nàng cắt cỏ/ có thương người qua sông?”.

Vì “đói tình”, nên những câu thơ hay nhất của anh vẫn là về tình yêu. Hay đến sững sờ. Mà phải đọc chậm, như ngậm kẹo mạch nha ấy mới thấm. Chẳng hạn như: “Lời nửa sương nửa gió/ thành nước mát trên tay/ lời hứa mang theo mãi/ hóa cái gông lưu đày” (LỜI CHƯA KỊP NÓI). Hay là: “Dây dợ là… rơm rạ/ dây dưa là… dây oan/ nhảy ổ tình xó bếp/ méo tròn tình đa đoan” (DUNG DẺ CỤC TÁC). Hay là nữa: “Trăng lu rồi trăng tỏ/ lắt léo bờ sông duyên/ mơ màng trăng nhắm mắt/ kệ sóng xô mạn thuyền” (MÉO HAY TRÒN ĐÊM NAY).

Lại nhớ hôm qua nhân Ngày Thơ Việt Nam, tôi mới buông mấy câu đùa tếu: “Giời giăng tơ nhện chi đây/ Bảy mươi xuân vẫn chưa đầy bến mơ/ Mơ gì như rượu cầy tơ/ Hôm nay mười bốn, ngóng chờ sau mai”, thế mà nhiều người đã ngợi ca “nội lực”. Các vị cứ thử đọc Tạ Văn Thông mà xem !

Tôi chỉ đáng ăn mày cửa “nội lực” nhà lão. 😀

Fb, ngày 24/2/2024

DÒNG SÔNG CỔ TÍCH

Xuân này, tôi dành nhiều thời gian để trở lại với một dòng sông cổ tích – sông Tương.

Đây là dòng sông rất quan trọng của xứ Bắc – Kinh Bắc xưa, đã chết do mất nguồn nước và bị bồi lấp mấy trăm năm qua. Song nó không chết trong tâm tưởng của người dân, bởi đôi bờ đã mọc lên những ngôi làng giàu có và văn hiến lừng lẫy, với lịch sử hàng nghìn năm như Ninh Hiệp, Đình Bảng, Phù Lưu; những làng quan họ gốc như Lim, Bưởi, Ó, Se; và cũng là nơi ra đời của chuyện tình Trương Chi – Mỵ Nương bất hủ. Thế nên, từng có thảo luận để khôi phục một số đoạn của dòng sông Tương cổ thuộc khu vực tỉnh Bắc Ninh, phục vụ bảo tồn di sản văn hóa quan họ và du lịch sinh thái.

Với tôi, đúng 50 năm trước đã được tắm trên một khúc sông Tương ở làng Tiêu, nay thuộc xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ấy là lần cùng K.18 của Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội đi thực tập Khảo cổ học do Giáo sư Trần Quốc Vượng hướng dẫn, khai quật di chỉ Bãi Tự – một công xưởng chế tác đá thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (cách đây khoảng 4.000 năm) bên bờ sông Tương.

Được nhìn lại nơi mình vùng vẫy trên sóng nước 50 năm trước, thật nhiều cảm xúc. Khi ấy, nơi đây là cái ao lớn ven làng nước trong xanh. Còn giờ, hai bên bờ nhà cửa đã mọc san sát. Cảnh thì đẹp nhưng chắc chắn không thể tắm lần thứ hai trên khúc sông cổ tích này. 😀

Fb, ngày 17/3/2024

HỘI THẢO: “NHÂN HỌC VÀ TỘC NGƯỜI Ở VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN SỐ”

Sáng ngày 6/12/2023, Hội thảo nói trên của Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã được tổ chức tại Hà Nội, cả trực tiếp và trực tuyến.

Vương Xuân Tình trình bày báo cáo: “Bản sắc tộc người với mạng xã hội hiện nay”.

Đây là Tóm tắt của báo cáo:

Bản sắc tộc người là một trong những hình thức xã hội hóa sớm nhất của cá nhân thông qua cộng đồng tộc người, và là phương thức hàng đầu để tổ chức không gian văn hóa, xã hội. Trong cuộc sống hằng ngày, tộc người liên tục được tái xây dựng thông qua các hoạt động lặp đi lặp lại của giao tiếp để tạo ranh giới. Tuy nhiên, do sự suy yếu của mối quan hệ truyền thống, hiện nay con người đang hướng tới các cộng đồng ảo với tư cách là những tụ điểm xã hội để xây dựng bản sắc của họ, trong đó có bản sắc tộc người. Trong bối cảnh đó, internet là nơi rất quan trọng với tộc người; song ngược lại, khuôn mẫu về tộc người (ethnic stereotypes) cũng ảnh hưởng tới sự tương tác trực tuyến.

Nghiên cứu này áp dụng khái niệm bản sắc xã hội của Erik. H. Erickson, đó là đặc điểm của một cá nhân và nhận thức của cá nhân ấy thuộc về một cộng đồng văn hóa, xã hội nhất định với các nghĩa vụ và quyền lợi, qua đó mang lại cho cá nhân cảm giác tự tin. Vì thế, cá nhân thường có nhu cầu tìm đến các nhóm xã hội của mình. Bản sắc tộc người chính là một loại bản sắc xã hội đặc biệt gắn với ý thức cá nhân thuộc về một cộng đồng tộc người. Bản sắc này là một cấu trúc đa chiều, phức hợp bao gồm kiến thức, tình cảm, thái độ và phản ứng hành vi của tộc người.

Để thực hiện nghiên cứu, tác giả khảo sát 6 trang Facebook của cá nhân và cộng đồng thuộc 3 tộc người thiểu số miền Bắc Việt Nam là Nùng, Dao và Hmông; từ đó phân tích vai trò của mạng xã hội với việc nhận thức, tình cảm, chia sẻ, truyền bá bản sắc tộc người và góp phần tái tạo bản sắc tộc người như thế nào.

Fb, ngày 6/12/2023

CỘNG ĐỒNG MỞ CỦA CƯ DÂN VEN BIỂN VIỆT NAM:QUAN HỆ LIÊN VÙNG VÀ XUYÊN QUỐC GIA

Bài của Vương Xuân Tình, đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 1, năm 2024.

Tóm tắt: Do chịu thách thức trong kiếm kế sinh nhai và rủi ro từ thiên nhiên, cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam thường có tính mở, tức gia tăng quan hệ ngoài cộng đồng. Bài viết xem xét tính mở đó qua mối quan hệ về sinh kế, xã hội, văn hóa liên vùng và xuyên quốc gia của các cộng đồng cư dân ven biển ở ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Thuận và Kiên Giang. Tùy theo bối cảnh, tính mở của mỗi cộng đồng được thể hiện ở phát triển du lịch, di dân, canh tác nông nghiệp hàng hóa, hay buôn bán và quan hệ tộc người. Các mối quan hệ của tính mở có
tác động tích cực đến sự năng động trong phát triển kinh tế – xã hội vùng biển đảo, song cũng đặt ra một số vấn đề về an ninh, trật tự xã hội, tình trạng buôn lậu trên biển và mối quan hệ tộc người xuyên quốc gia.

Từ khóa: Cộng đồng mở, cư dân ven biển, sinh kế, xã hội, văn hóa, liên vùng, xuyên quốc gia.

Mục lục và toàn văn bài viết:

KHÁI LUẬN VỀ TỘC NGƯỜI VỚI BIỂN ĐẢO Ở VIỆT NAM

Bài của Vương Xuân Tình, đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 1, năm 2024.

Tóm tắt: Khái niệm “cận duyên” được một số nhà nghiên cứu dùng để chỉ hoạt động truyền thống của các tộc người ở ven biển và hải đảo tại Việt Nam, chỉ phù hợp trong khai thác hải sản mà chưa phản ánh đúng về giao thương và bảo vệ chủ quyền biển đảo, bởi như người Kinh và người Chăm từng vươn tới vùng biển xa bờ, kết nối với cư dân khác ở Đông Nam Á. Với thực tiễn hiện nay, khái niệm đó càng không nên sử dụng. Từ chỗ xưa kia bị coi là khu vực ngoại vi, giờ đây biển đảo trở thành một vấn đề trung tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh ấy, bên cạnh chú trọng các tộc người ở ven biển, hải đảo có sinh kế trực tiếp liên quan đến biển, cần quan tâm sâu sắc tới cả những dân tộc thiểu số khác ở vùng nội địa, gắn lợi ích và trách nhiệm của họ với phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biển đảo của Việt Nam.
Từ khóa: Tộc người, biển đảo, ngoại vi, trung tâm.

Mục lục và toàn văn bài viết: