MẠNG LƯỚI XÃ HỘI CỦA MỘT SỐ TỘC NGƯỜI TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC

Sách có tiêu đề nêu trên do TS. Lê Minh Anh và TS. Lê Thị Mùi đồng chủ biên, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành cuối năm 2023. Tôi có vinh dự là một trong bảy tác giả của cuốn sách. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ ở Viện Dân tộc học, rõ hơn là của Phòng Nghiên cứu xã hội tộc người thuộc Viện, triển khai từ năm 2019-2020, với địa bàn khảo sát là tỉnh Cao Bằng.

Năm 2016 khi nghỉ quản lý, tôi được lãnh đạo Viện phân công về làm việc ở Phòng Nghiên cứu xã hội tộc người và sau đó tham gia đề tài này. Ở Việt Nam, nghiên cứu về mạng lưới xã hội chủ yếu được các nhà xã hội học quan tâm, song có những quan niệm cùng cách triển khai khác nhau. Khi tổng quan tài liệu, chúng tôi có tham khảo một số quan điểm, nhưng chưa tìm ra công trình được triển khai một cách bài bản, tức theo đúng quy trình nghiên cứu có điền dã. Nói vậy chỉ để thấy sự khó khăn của nhóm nghiên cứu, nhất là nghiên cứu mạng lưới xã hội của các tộc người ở vùng biên, nơi mà trước đó chưa ai làm.

Lý do để nghiên cứu mạng lưới xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc là bởi tính phức tạp trong quan hệ tộc người xuyên biên giới nơi đây. Mấy thập kỷ qua, các cấp quản lý cả vi mô và vĩ mô đều rất khó khăn trong xử lý tình huống di dân lao động và các hoạt động xuyên biên giới khác. Hàng chục vạn lao động của Việt Nam đi làm ăn bất hợp pháp ở Trung Quốc mỗi năm, trong đó phần lớn thuộc các dân tộc thiểu số, là vấn đề đáng quan tâm về tính bền vững của sinh kế và an ninh chính trị vùng biên. Đó còn chưa kể những lĩnh vực khác như hôn nhân, buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới. Nghiên cứu về mạng lưới xã hội ở đây chính là góp phần nhìn nhận các vấn đề ấy.

Tham gia thực hiện đề tài, ngoài báo cáo, tôi đóng góp được ba bài tạp chí: 1- Nghiên cứu mạng lưới xã hội trên thế giới (Tạp chí Dân tộc học, Số 2, 2019); 2- Không gian thứ ba và mạng lưới xã hội vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Tạp chí Dân tộc học, Số 5, 2020); 3- Biến đổi về loại hình mạng lưới xã hội của các tộc người thiểu số vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Tạp chí Dân tộc học, Số 3, 2021). Đáng lưu ý là bài thứ hai: Cho tới khi thực hiện đề tài này, dù đã hàng chục năm nghiên cứu vùng biên và biết nơi đây là khu vực cực kỳ phức tạp, song tại sao lại phức tạp thì phải dưới cái nhìn của lý thuyết không gian thứ ba, hay còn gọi là không gian mờ, tôi mới ưng ý về luận giải. Tôi coi đây là một cái duyên trong nghiên cứu, mà không phải lúc nào cũng gặp. Bạn nào muốn tham khảo các bài này, có thể vào trang Blog của tôi (1- https://tinhvuongxuan.wordpress.com/…/nghien-cuu-ve…/; 2- https://tinhvuongxuan.files.wordpress.com/…/khong-gian…; 3- https://tinhvuongxuan.wordpress.com/2021/07/09/3634/).

Sau cùng, có một nhận xét tinh tế của biên tập viên Nhà xuất bản Khoa học xã hội về cuốn sách này khi mới ấn hành, đó là sự gắn kết với cuốn sách “Ý thức quốc gia – dân tộc ở các tộc người vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc” do Nguyễn Thị Thanh Bình và tôi đồng chủ biên, tức đọc quyển này thì sẽ hiểu thêm quyển kia.

P/s: Các ảnh trong Stt này ghi lại cảnh quan và các cuộc phỏng vấn, thảo luận nhóm ở hai huyện Bảo Lạc và Trùng Khánh (Cao Bằng) của nhóm nghiên cứu vào năm 2019 và 2020.

Fb, ngày 17/2/2024

Leave a comment