NHỮNG NGÔI SAO CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM (3)

LỜI DẪN

Thời gian càng lùi xa, càng thấy rõ hơn giá trị của một thế hệ vàng trong khoa học Việt Nam đương đại. Sao họ có thể xả thân và coi khoa học như lẽ sống ? Sao đóng góp của họ lớn lao vậy, dù làm việc với điều kiện vật chất thật nghèo nàn ?

Một lần trong cuộc “trà dư tửu hậu”, có lời cho rằng, bởi họ được hưởng nền giáo dục của Pháp. Mình không dám nghĩ vậy. Những lớp người được đào tạo trước đây ở Liên Xô, Đông Âu và sau này tại Tây Âu, không thể nói không bài bản. Song hình như họ chủ yếu mới chuyển tải tri thức của nước ngoài và phê phán sự lạc hậu của khoa học trong nước mà ít có công trình nghiên cứu sáng giá. Vì thế, đóng góp lớn nhất của họ vẫn ở mức “thông ngôn”, mà không tạo nên cơ sở để xuất hiện thế hệ vàng thứ hai. Sao vậy nhỉ ? Người bảo tại ý chí, người nói bởi cơ chế.

Do đặc thù công việc, mình hay bị cuốn vào luận đàm kiểu này. Nhưng mình ít to tiếng, chỉ nhớ có mấy bài viết về thế hệ khai mở của khoa học xã hội Việt Nam đương đại, nay tập hợp lại, và có thể sẽ viết tiếp. Những ngôi sao được nhắc tới ở đây chủ yếu có đóng góp cho sự phát triển của Dân tộc học nước nhà. Việc đưa lên facebook cũng để cho tiện, bởi thi thoảng có người lại hỏi mình bài viết cũ. Lục tìm những bài ấy thì ở cái tuổi mình, ai mà chả ngại. Haiiza !

3. PHÓ GIÁO SƯ LÊ THỊ NHÂM TUYẾT

Khi nói về vị trí của Bà trong nền Dân tộc học/ Nhân học Việt Nam, có thể còn ý kiến khác biệt, song nếu đánh giá vai trò của Bà với sự nghiệp nghiên cứu về phụ nữ, gia đình và giới của nước nhà thì không ai có thể phủ nhận: Bà là một trong những người đặt nền móng cho sự nghiệp này. Và ở đây, vẫn còn điều đáng lưu ý: các nghiên cứu ấy của Bà hầu hết đều được tiếp cận dưới góc độ Dân tộc học/ Nhân học.

Để tiếp nối chuyên mục “Những ngôi sao của khoa học xã hội Việt Nam”, mình đăng lại bài viết của mình về Bà trên Tạp chí Dân tộc học Số 3 – 2011, qua giới thiệu một tác phẩm. Bài viết này ra đời khi Bà chưa đi xa, và mong rằng việc đăng lại sẽ như nén nhang tưởng nhớ một nhà khoa học nữ xuất sắc, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

“ĐẶC THÙ GIỚI Ở VIỆT NAM VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC”: NỖI ĐAU VÀ TRÁCH NHIỆM VỀ QUYỀN CON NGƯỜI CỦA PHỤ NỮ

Đọc những công trình nghiên cứu có giá trị về khoa học xã hội, đôi khi tôi thường tự đặt cho mình một nhiệm vụ cần tìm hiểu: Con đường dẫn tới thành công của tác giả như thế nào? Đường thì mỗi người mỗi ngả, song điểm xuất phát hầu như hao hao giống nhau: Đó là sự thôi thúc của khám phá, hay rõ hơn là của nhận thức. Song khi đọc tác phẩm “Đặc thù giới ở Việt Nam và bản sắc dân tộc”[1] của nhà Dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết, đã cho tôi một phát hiện khá thú vị: Khởi đầu của hành trình nghiên cứu lại là một nỗi đau, một trách nhiệm xã hội – tức là từ tình cảm và đạo lý, chứ chưa hẳn chỉ vì nhận thức.

Nỗi đau” – vâng, có lẽ không còn từ nào chính xác hơn, để nói về tâm thế của một nhà nghiên cứu dành cho vấn đề quyền con người của phụ nữ Việt Nam. Cuốn sách tập hợp 82 bài của tác giả đã đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo… trong hơn 40 năm qua theo trật tự thời gian, với nhiều chủ đề về vấn đề giới và văn hóa tộc người ở nước ta, thì có tới quá nửa số bài liên quan trực tiếp đến nỗi đau ấy.

Cái nỗi đau đeo đẳng tác giả trong suốt hành trình nghiên cứu là sự bất bình đẳng giới với nhiều biểu hiện và hệ lụy ở Việt Nam. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà công trình khoa học được công bố đầu tiên (?) của tác giả là về “Phụ nữ và phong tục, tập quán đạo đức cũ”. Trong công trình này, tác giả đã chỉ ra những hủ tục còn rơi rớt của chế độ cũ, từ đánh vợ, tảo hôn đến mua bán trong hôn nhân… vẫn tiếp diễn tại một số làng quê đồng bằng Bắc Bộ vào những năm 60 của thế kỷ trước. Các hủ tục, trong nội dung nghiên cứu phong tục tập quán dưới góc độ Dân tộc học còn được tác giả Lê Thị Nhâm Tuyết nhìn nhận trở lại nhiều lần. Cuộc đấu tranh với hủ tục vì nhân phẩm và hạnh phúc của phụ nữ thật quả không đơn giản. Có thời chúng ta đẩy hết nguồn gốc của hủ tục sang phía phong kiến thực dân và tin chắc rằng xã hội mới sẽ diệt trừ nó tận gốc, vậy mà nó vẫn dằng dai tồn tại với nhiều biến thái, lúc lấp ló, lúc trâng tráo – tới mức trong một hội thảo vào đầu những năm 90, tác giả vốn là người rất tinh tế trong ứng xử mà phải thốt lên từ “vô liêm sỉ” để nói về sự xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ ở cái thời “kinh tế thị trường”.

Nỗi đau của tác giả còn được chia sẻ với thân phận những phụ nữ bất hạnh, từ các trẻ em gái bị lạm dụng tình dục, những người mẹ vốn quá thì nhỡ lứa phải đi “xin” con và nuôi con một mình, đến những người già cô đơn, người bị nhiễm HIV/ AIDS, bị nhiễm chất độc da cam và trong đó không ít là phụ nữ. Các trang viết về những khía cạnh ấy không chỉ đảm bảo tính chặt chẽ mà còn giàu sức biểu cảm; qua đó, không chỉ dấy lên vấn đề khoa học mà còn mang nặng nỗi lòng của tác giả.

Cùng với nỗi đau là trách nhiệm khoa học và công dân của tác giả với vấn đề quyền con người của phụ nữ Việt Nam. Trách nhiệm ấy trước hết là việc đề cao vai trò phụ nữ; khơi dậy những cái tốt, cái vị tha, nhân bản với phụ nữ vốn không thiếu trong xã hội truyền thống và cả đương đại. Ở lĩnh vực này, tác giả có nhiều thế mạnh từ tiếp cận Dân tộc học. Nghiên cứu chế độ mẫu quyền, về quan hệ giới trong sản xuất và sinh hoạt gia đình, cộng đồng, tác giả đã chỉ rõ vai trò thực tế của phụ nữ, và rằng việc tôn trọng phụ nữ vốn có gốc nguồn từ đời sống, để đối lập với những định kiến về phụ nữ của xã hội có giai cấp. Vai trò của phụ nữ còn được tác giả nhấn mạnh khi đề cập đến “đội quân tóc dài” ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến đội ngũ nữ nông dân, công nhân, trí thức. Trách nhiệm  ấy càng rõ hơn trong những kiến giải của tác giả cho bình đẳng giới, cho việc cải thiện đời sống, tạo điều kiện phát triển đối với phụ nữ. Điều đó được thể hiện qua những vấn đề rất cụ thể, như chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục dân số và đời sống gia đình, giải pháp chống bạo lực gia đình, các chính sách về đặc thù giới…

Xin nói thêm: Ngoài những bài viết công bố rải rác trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo được tập hợp trong công trình đã nêu, nhà Dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết còn là tác giả, đồng tác giả và chủ biên của gần 20 đầu sách, trong đó có tác phẩm “Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại” được dịch qua 4 thứ tiếng: Trung, Anh, Pháp và Nhật. Có thể nói, những công trình đó cơ bản vẫn là mối quan tâm về phụ nữ Việt Nam, với nỗi đau và trách nhiệm như đã đề cập.

Là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của khoa học về phụ nữ, nhà Dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết đã vươn lên từ một tiếp cận chuyên ngành, để sau đó mở rộng sang các tiếp cận khác của khoa học xã hội. Đọc công trình “Đặc thù giới ở Việt Nam và bản sắc dân tộc cho thấy mỗi bài mỗi vẻ, song tôi nghĩ, những bài có sức cuốn hút nhất vẫn dưới góc độ Dân tộc học. Điều đáng ngạc nhiên là những bài ấy được viết khi tác giả vào nghề chưa lâu. Sức cuốn hút của các tác phẩm có lẽ bởi nhiều yếu tố – cả nỗi đau và trách nhiệm, cả niềm say mê với nghề nghiệp, cả sự sống động do sử dụng phương pháp điền dã Dân tộc học, và cũng có thể cả sự sung sức của tác giả ở tuổi thanh xuân… Điều may mắn khi tôi viết bài này là đã từng đồng hành với nhà Dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết trên một số chặng đường điền dã, bởi vậy, có thể cảm nhận dễ hơn công trình của tác giả. Ngay ngôi nhà tôi ở hiện nay cũng chỉ cách cánh đồng là tới một điểm điền dã mà tác giả đã gắn bó cách đây gần 40 năm – làng Xuân Dục, có tên nôm là làng Vân, thuộc xã Yên Thường huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đọc các trang viết sinh động của tác giả, vẫn thấy phảng phất đâu đây mùi hương trầm khắp xóm ngõ; thấy cảnh mời rượu, mời cơm, mời trầu, mời nước bằng thơ trong ngày làng Vân đón khách quý “chạ anh” Tam Tảo – một làng cách đó cũng không xa… Khi cơn lốc đô thị hóa tràn về làng quê làm phai nhòa những giá trị văn hóa truyền thống khiến nhiều người nuối tiếc, càng thấy biết ơn tác giả đã góp công ghi lại các giá trị đó trong công trình khoa học.

Nếu còn điều gì muốn nhắn gửi bạn đọc ở bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn thêm rằng, nỗi đau và trách nhiệm của nhà Dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết với vấn đề quyền con người của phụ nữ Việt Nam còn có cội rễ từ một miền xa hơn – đó là những tháng năm “kiếm mã lên đường mai nở trắng”[2] trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chắc chắn có sợi dây kết nối từ đồng chí Đại đội phó phụ trách chính trị Lê Thị Nhâm Tuyết và nhà Dân tộc học Lê Thị Nhâm Tuyết sau này. Và như vậy, đóng góp của bà cho quyền con người của phụ nữ Việt Nam có cội nguồn từ đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.                                

[1] Lê Thị Nhâm Tuyết, “Đặc thù giới ở Việt Nam và bản sắc dân tộc (Nhìn từ góc độ Dân tộc học)”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2010, 928 trang, khổ 15 cm x 23 cm.

[2] Ý được trích trong câu đối của GS. Vũ Khiêu mừng thọ PGS. Lê Thị Nhâm Tuyết: “Tuổi hai mươi, phận gái tài trai, kiếm mã lên đường mai nở trắng/ Xuân bảy chục, tình sông nghĩa biển, cầm tôn mừng thọ trúc thêm xanh” – theo tư liệu c

ủa PGS.TS. Hoàng Bá Thịnh trong bài viết “Thay lời giới thiệu” cuốn sách.

 

NHỮNG NGÔI SAO CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM (2)

LỜI DẪN

Thời gian càng lùi xa, càng thấy rõ hơn giá trị của một thế hệ vàng trong khoa học Việt Nam đương đại. Sao họ có thể xả thân và coi khoa học như lẽ sống ? Sao đóng góp của họ lớn lao vậy, dù làm việc với điều kiện vật chất thật nghèo nàn ?

Một lần trong cuộc “trà dư tửu hậu”, có lời cho rằng, bởi họ được hưởng nền giáo dục của Pháp. Mình không dám nghĩ vậy. Những lớp người được đào tạo trước đây ở Liên Xô, Đông Âu và sau này tại Tây Âu, không thể nói không bài bản. Song hình như họ chủ yếu mới chuyển tải tri thức của nước ngoài và phê phán sự lạc hậu của khoa học trong nước mà ít có công trình nghiên cứu sáng giá. Vì thế, đóng góp lớn nhất của họ vẫn ở mức “thông ngôn”, mà không tạo nên cơ sở để xuất hiện thế hệ vàng thứ hai. Sao vậy nhỉ ? Người bảo tại ý chí, người nói bởi cơ chế.

Do đặc thù công việc, mình hay bị cuốn vào luận đàm kiểu này. Nhưng mình ít to tiếng, chỉ nhớ có mấy bài viết về thế hệ khai mở của khoa học xã hội Việt Nam đương đại, nay tập hợp lại, và có thể sẽ viết tiếp. Những ngôi sao được nhắc tới ở đây chủ yếu có đóng góp cho sự phát triển của Dân tộc học nước nhà. Việc đưa lên facebook cũng để cho tiện, bởi thi thoảng có người lại hỏi mình bài viết cũ. Lục tìm những bài ấy thì ở cái tuổi mình, ai mà chả ngại. Haiiza !

2. GIÁO SƯ TRẦN QUỐC VƯỢNG: MỐI TƯƠNG GIAO VỚI DÂN TỘC HỌC [1]

Gần 50 năm hoạt động khoa học, với hàng trăm công trình được công bố liên quan tới nhiều lĩnh vực, GS. Trần Quốc Vượng nổi lên như một hiện tượng độc đáo của khoa học xã hội Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Qua tư duy sắc bén, lòng nhiệt huyết và sự tài hoa của Ông, những niên đại, sự kiện lịch sử, những chứng tích khảo cổ hay văn hóa dân gian… dường như bừng tỉnh để tự bạch về vai trò, ý nghĩa và sứ mệnh của mình trong dòng văn minh đất nước và văn minh nhân loại. Có thể nói, nhắc tới GS. Trần Quốc Vượng, trước hết phải cảm phục tầm trí tuệ của Ông; song sẽ chưa đủ nếu không nhận thấy: Ông còn là người đầy khí cốt SỐNG (chữ viết hoa sinh thời Ông vẫn dùng). Và có lẽ, Ông hấp dẫn cuộc đời cũng chính bởi hai phẩm chất này.

Viết về GS. Trần Quốc Vượng hẳn có nhiều, song do giới hạn của bài báo nhỏ, tôi chỉ đề cập đến mối tương giao của Ông với dân tộc học, bởi theo tôi, nó góp phần quan trọng để tạo nên thành công trong khoa học của Ông.

Mối tương giao của GS. Trần Quốc Vượng với dân tộc học (hay rộng hơn là nhân học – anthropology), trước hết là nhu cầu nghiên cứu liên ngành mà Ông là người có công khởi xướng trong khoa học xã hội ở Việt Nam. Là người chuyên sâu về khảo cổ học, song GS. Trần Quốc Vượng không chỉ am tường về kiến thức sử học, mà Ông còn có nhiều hiểu biết về những lĩnh vực khác như cổ sinh học, địa chất học, dân tộc học, văn hóa học, văn hóa dân gian… Nghiên cứu liên ngành cố nhiên là hữu ích, song cũng thật khó và ít thành công. Điểm khó của nghiên cứu liên ngành là cá nhân nghiên cứu phải có tri thức về ngành khác và biết cách tiếp cận để xây dựng phương pháp và nội dung riêng, để có thể đi trong khoảng “đường biên” của những ngành khoa học đó.

Một lý do khác khiến GS. Trần Quốc Vượng gần gũi với dân tộc học còn bởi chính mối thâm giao của Ông với các nhà dân tộc học, mà điển hình là với PGS. Nguyễn Từ Chi. Điều này, chính Ông và bạn bè, đồng nghiệp đã thừa nhận. Ông với Nguyễn Từ Chi là đôi bạn vong niên nhưng tri âm, tri kỷ, như cặp “song trùng” trong khoa học. Dường như cuộc đời đã khéo sắp đặt để hai bậc tài danh này gặp gỡ và chắp cánh cho nhau. Đọc lại những trang viết của Ông về Nguyễn Từ Chi, càng thấy Ông tâm phục khẩu phục đến chân thành nhà dân tộc học này. Điều gì khiến người chịu tiếng “kiêu bạc” lại không tiếc lời ca ngợi một vị cùng thời là Nguyễn Từ Chi ? Tài năng, có lẽ chỉ có tài năng mới đủ sức chinh phục một người có tầm vóc như Ông.

Tuy vậy, chớ hiểu lầm rằng Ông “nợ nần” dân tộc học, mà đúng hơn, Ông đã thắp sáng thêm cho ngành khoa học này. Trong nhiều công trình, Ông sử dụng hữu hiệu cách tiếp cận nhân học – lịch sử (anthropology – history); có lúc đan xen với cách tiếp cận khác, đôi khi đứng riêng như một tiếp cận độc lập [2], và điều đó khiến những phát hiện, lý giải của Ông càng có sức thuyết phục. Bằng cách tiếp cận này, Ông là một trong những người có công dựng lại bức tranh thời Hùng vương, song không phải là bức tranh ảo mờ sương khói huyền thoại mà những nét vẽ đã hướng vào nhân lõi của hiện thực. Cách lý giải của Ông về vua Hùng, thực chất chỉ là tù trưởng bộ lạc, sau này được huyền thoại để trở thành đấng quân vương – và nhà nước Văn Lang thuở ấy, không chỉ có ý nghĩa khám phá mà còn gợi ra một kinh nghiệm nghiên cứu khoa học: đó là việc không lệ thuộc vào những mặc định, dù nó có ngự trị như một tảng khối.

Lý giải về nguồn gốc cư dân, nhất là thành phần tộc người trong lịch sử cũng là điều không dễ. Song bằng tiếp cận liên ngành, đặc biệt qua chứng cứ khảo cổ học, Ông đã nêu lên luận thuyết về thành phần dân cư – dân tộc ở vùng châu thổ sông Hồng – cái nôi của văn minh Việt – từ thời tiền sử đến các giai đoạn Văn Lang, Âu Lạc. Với việc nhìn nhận đồng bằng sông Hồng như một thung lũng lớn và là địa bàn khai phá của nhiều cư dân có nguồn gốc, văn hóa khác nhau, Ông cho rằng đây chính là nơi hỗn huyết của các nhóm người thuộc ngôn ngữ Tày – Thái, Môn – Khơ me, Mã Lai – Đa Đảo, để sau đó hình thành nên dân tộc Việt (Kinh). Ở chiều sâu khoa học, luận điểm này có ý nghĩa cho việc góp phần xây dựng tinh thần đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam.

Khác với một số cách nhìn xơ cứng, GS. Trần Quốc Vượng luôn xem xét văn hóa nước nhà được kết tinh bởi nền văn hóa đa tộc người, vì thế, Ông rất chú trọng nghiên cứu mối quan hệ văn hóa hay “giao thoa văn hóa”. Qua những công trình đã xuất bản, có thể nhận thấy, Ông đặc biệt chú ý tới mối giao thoa văn hóa Việt – Mường, Việt – Tày và Việt – Thái. Nghiên cứu dân ca quan họ của người Việt vùng Kinh Bắc, Ông còn phát hiện yếu tố âm nhạc của tộc Chăm… Ông đã chứng minh một cách thuyết phục: thành tựu văn hóa của tộc Việt chính là sự tiếp thu và tự đổi mới. Điều này càng được khẳng định khi Ông nhìn nhận mối quan hệ của văn hóa Việt với văn hóa ngoại lai, như qua trường hợp vùng Kinh Bắc: “Phải có xứ Luy Lâu – Long Biên – Vũ Ninh… đau thương anh dũng, chính trị đô hộ đi qua mà tinh hoa văn hóa phương Đông Hoa Ấn ở lại và hội nhập vào vốn liếng truyền thống xưa thì ta mới có người Việt và văn hóa Việt” [3].

Vào những năm cuối đời, Ông còn có nhiều đóng góp cho nghiên cứu văn hóa ẩm thực, và có thể khẳng định lại rằng, hướng tiếp cận chủ đạo của ông trong nghiên cứu này vẫn là hướng tiếp cận dân tộc học. Tuy thời gian suy ngẫm cho chủ đề đó chưa nhiều, song Ông vẫn rút ra những nhận xét độc đáo về đặc trưng ẩm thực của người Việt và một số tộc người khác. Sự đúc kết súc tích về cơ cấu bữa ăn truyền thống của người Việt đồng bằng Bắc Bộ là Cơm + Rau + Cá; cách nhìn tinh tế về ẩm thực của cư dân Thăng Long – Hà Nội… có thể xem như những gợi ý quan trọng về phương pháp luận cho hướng nghiên cứu này.

Nhớ lại hình ảnh sống động của Ông trong những tiết giảng cho lớp sinh viên chúng tôi hơn 30 năm trước lại thấy cuộc sống thật ngắn ngủi. Song với Ông, chắc chắn còn để người đời “Tìm tòi và suy ngẫm” [4]. Riêng tôi, trong nhiều điều có thể viết về GS. Trần Quốc Vượng, tôi chỉ muốn viết những gì Ông để lại qua tác phẩm. Đó mới là hồn cốt của Ông. Đó mới là sự chân thực nơi Ông.

_________________

[1] Bài viết sau khi GS.Trần Quốc Vượng qua đời, đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 5, 2005. Vì thiết kế kỹ thuật của mục “Ghi chú” không nhận chữ in nghiêng, nên những chỗ chữ in nghiêng của bản gốc phải để trong ngoặc kép; hoặc lời mở đầu bài viết, phải để xa dòng với phần chính của bài. Và do phải đánh máy lại bản thảo nên lần đăng đầu tiên trên Facebook, thuật ngữ “thành tựu văn hóa” đã bị đánh sai là “thành phần văn hóa”. Thành thật xin lỗi các bạn !

[2] Xem: “Bàn thêm về truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy (Xét về phương diện dân tộc học)”, trong sách: Trần Quốc Vượng, “Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm”, Nxb Văn hóa Dân tộc – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H, 2000, tr. 296-301.

[3] Trần Quốc Vượng, “Việt Nam – Cái nhìn địa – văn hóa”, Nxb Văn hóa Dân tộc – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, H, 1998, tr. 159-160.

[4] Lấy ý trong tiêu đề một quyển sách (đã dẫn) của GS. Trần Quốc Vượng.

LÀNG NGƯỜI TÀY: TIẾP CẬN NHÂN HỌC

LỜI DẪN

Đây là bài viết của mình cho Facebook “LÀNG NGƯỜI TÀY (Tiếp cận Nhân học)”. Facebook này thuộc Đề tài nghiên cứu cấp viện của Viện Dân tộc học về “Làng người Tày ở Lạng Sơn trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập”, vừa khai trương hôm qua, 13/9/2013. 

Sự thực, kể từ khi gia nhập chính thức cộng đồng Facebook vào tháng 5/2013 đến nay, mình đã thấy lợi ích và sức mạnh của Facebook. Bởi thế vừa qua, mình quyết định sử dụng Facebook phục vụ nghiên cứu, mà trước hết là với đề tài nêu trên. Do cán bộ của đề tài  phần lớn đều trẻ nên mọi người rất hào hứng với việc ấy. 

Đề tài cấp viện chẳng có nhiều tiền, được 100 triệu đồng mỗi năm, vì thế mình phải hô hào tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn lực, và luôn đề cao lý sự: “Trong khoa học, không phải hễ cứ nhiều tiền là có chất lượng cao, ít tiền thì chất lượng thấp, mà có khi  ngược lại !”. Cũng do ít tiền, nên Cố vấn khoa học – Đồng chủ nhiệm, các Tư vấn về chuyên môn của Đề tài đều làm việc không lương; nhiều nhà khoa học thuyết trình cho Đề tài không nhận thù lao.  

Mình hy vọng việc lập Facebook của Đề tài sẽ tiếp tục góp phần chứng minh cái “lý sự” nêu trên.

Bạn thân mến,

Facebook này là của nhóm cán bộ Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nghiên cứu về đề tài: Làng người Tày ở Lạng Sơn trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, do PGS.TS Vương Xuân Tình và ThS. Phạm Quang Linh đồng chủ nhiệm. Đây chỉ là đề tài cấp Viện, dự kiến được thực hiện từ năm 2013 – 2015, song vị trí của nó không nhỏ bởi có nhiệm vụ quan trọng là nâng cao năng lực cho cán bộ trẻ của Viện.

Nghiên cứu về làng là vấn đề hấp dẫn, vì làng là dạng thức tập hợp xã hội cổ xưa nhất của loài người – tập hợp tự nhiên của nhóm người có quan hệ dòng máu và láng giềng (Natural Grouping). Hơn nữa, cùng với sự phát triển của xã hội loài người qua hàng chục ngàn năm lịch sử, làng chẳng những vẫn duy trì các giá trị của nó, mà còn như giọt sương phản ánh hình thái xã hội, tổ chức trên làng. Có lẽ đây là lý do khiến làng được nhiều người quan tâm. Theo thông tin của Chương trình nghiên cứu về làng (Village Studies Programme) của trường Đại học Sussex, Hoa Kỳ, đã có khoảng hơn 2.000 công trình thuộc lĩnh vực này được công bố trên thế giới. Ở Việt Nam, nghiên cứu về làng được chú trọng, song chủ yếu mới là làng người Việt (Kinh).

Chọn nghiên cứu về một làng người Tày – thôn Pò Cại (xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), nhóm cán bộ của Viện Dân tộc học muốn kế thừa, kết nối với một vấn đề nghiên cứu khá phổ biến ở Việt Nam và thế giới, để xem xét sự cố kết bên trong và hội nhập với bên ngoài của làng; tìm hiểu xu hướng biến đổi và phát triển của ngôi làng này trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với khoảng gần 20 đề tài nhánh cho thực hiện mục tiêu đó, hy vọng nghiên cứu sẽ thấy được Pò Cại như giọt sương phản ánh đời sống của nông nghiệp – nông thôn – nông dân ở miền núi Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, như đã trình bày, điểm quan trọng nữa của đề tài là nâng cao năng lực cho cán bộ trẻ. Những cán bộ này sẽ được đào tạo theo quy trình nghiên cứu cơ bản của Dân tộc học/ Nhân học: từ xác định đề tài, tổng quan tài liệu, xây dựng đề cương, điền dã Dân tộc học, viết báo cáo, tọa đàm khoa học, đến xuất bản. Sản phẩm của mỗi người sẽ là một bài báo khoa học đạt tiêu chuẩn chất lượng của Tạp chí Dân tộc học, sau đó, còn được bổ sung để in trong một quyển sách.

Góp phần cho sự thành công của đề tài, đã có nhiều nhà nghiên cứu ở trong và ngoài Viện Dân tộc học làm cố vấn, tư vấn, trình bày khoa học hoặc tập huấn về phương pháp nghiên cứu cho cán bộ tham gia. Qua hơn nửa năm triển khai, trình độ của cán bộ trẻ đã được nâng lên về kỹ năng tổng quan tài liệu, xây dựng đề cương và trình bày khoa học. Để nâng cao hơn nữa năng lực của họ, đề tài muốn xây dựng Facebook này như một phương thức chia sẻ, trao đổi trong nghiên cứu. Nội dung chia sẻ, trao đổi sẽ phục vụ cho việc thực hiện đề tài, bao gồm thông tin liên quan; các ý tưởng, vấn đề, kinh nghiệm; và cả những câu chuyện vui buồn trong quá trình thực hiện của mỗi cá nhân tham gia hoặc của đề tài chung… Việc trình bày sẽ linh hoạt, nhẹ nhàng theo cách thức của Facebook, tuy nhiên, hy vọng không vì thế mà nó kém hữu ích.

Nhân dịp ra mắt Facebook “Làng người Tày: Tiếp cận Nhân học”, xin gửi tới toàn thể thành viên của Facebook lời chào thân mến. Chúng tôi cũng mong được kết bạn với nhiều quý vị quan tâm đến vấn đề khoa học của Facebook này, đến việc bồi dưỡng cho cán bộ nghiên cứu trẻ của Viện Dân tộc học.

PGS.TS VƯƠNG XUÂN TÌNH

Cố vấn khoa học

Đồng Chủ nhiệm Đề tài