PHAN NGỌC BÀN VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA

Khi tổng kết nghiên cứu về tộc người ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới, tôi vấp phải một vấn đề rất hóc búa, đó là bản sắc văn hóa. Để xử lý, ngoài tham khảo các tác giả nước ngoài, tôi phải đọc những tác giả Việt Nam bàn về vấn đề này, trong đó có cụ Phan Ngọc. Và tôi thấy, trong những ý kiến của các học giả Việt Nam, quan điểm của cụ Phan Ngọc có nhiều nét độc đáo, góp phần giải quyết được sự phức tạp về bản sắc, song cũng gợi ra vấn đề cần tiếp tục thảo luận.
Sau đây là một đoạn trích tôi tổng quan ý kiến của cụ Phan Ngọc bàn về bản sắc văn hóa Việt Nam:
“… Đến nay, mặc dù được sử dụng rất phổ biến trong xã hội Việt Nam, kể từ văn kiện của Đảng và Nhà nước, đến truyền thông hay công trình khoa học, song khái niệm và cách nhận diện về bản sắc vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo. Nhận xét các nghiên cứu về bản tính [hay bản sắc – T.G] dân tộc Việt Nam, tác giả Huyền Giang cho rằng, “hầu hết những bàn luận về vấn đề này đều dựa vào những quan sát và suy nghĩ theo lối kinh nghiệm”.
Trong số những trình bày liên quan đến vấn đề đang bàn, phải kể tới quan điểm của Phan Ngọc ở tác phẩm “Bản sắc văn hóa Việt Nam”. Trước hết, trong rất nhiều định nghĩa về văn hóa, ông rút ra định nghĩa của mình: “Văn hóa là mối quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình hóa trong cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ nhận thấy nhất, biểu hiện thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa chọn của các cá nhân hay các tộc người khác”. Ông xác định: “Nói đến bản sắc văn hóa là nói đến cái mặt bất biến của văn hóa trong quá trình phát triển của lịch sử. Dĩ nhiên, văn hóa là một hệ thống những quan hệ, không phải là những vật”; và cho rằng, “cái tạo thành tính bất biến của các hệ thống quan hệ này là những nhu cầu của tâm thức con người Việt Nam. Các nhu cầu này về cơ bản là như nhau ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, không liên quan tới tài sản, học vấn, và khá ổn định, mặc dầu một tầng lớp người có thể chiếm ưu thế so với các tầng lớp khác”.
Như vậy, định nghĩa về văn hóa của Phan Ngọc sau phần đầu khá trừu tượng, đã được cụ thể hóa, đó là sự lựa chọn; còn bản sắc văn hóa chính là nhu cầu của sự lựa chọn ấy. Quan điểm này hàm súc và dễ hiểu, dễ thực hành khi thao tác nghiên cứu, tuy nhiên sự bất biến của bản sắc trong lịch sử là điều còn khó hình dung”.
Fb, ngày 27/8/2020

Leave a comment