VƯỜN – RẪY – RỪNG CỦA NGƯỜI HMÔNG Ở BẢN HUA TẠT: MỘT THẾ GIỚI KHÁC

hông biết vườn, nay người Hmông làm vườn như vốn có truyền thống lâu đời. Vườn của họ thường gồm hai tầng, như trên đào dưới bắp cải; trên mận, dưới su su hoặc đậu.

Rẫy xưa kia, ngoài lúa ngô, được trồng thập cẩm như cái vườn tạp, phục vụ tự cung tự cấp. Nay rẫy là nơi canh tác nông sản hàng hóa, kể từ ngô, chanh leo, rau đậu đến đào, mận.

Rừng cộng đồng trên cao, là nơi cho gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ dân sinh, song còn điều tiết nguồn nước, điều hòa khí hậu và thải mùn xuống rẫy bên dưới. Những khu rừng trồng thì để bán nguyên liệu.

Tóm lại, vườn – rẫy – rừng của người Hmông ở bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) nay gắn với kinh tế thị trường, bởi vậy, là một thế giới khác.

Những bức ảnh dưới đây được chụp khi đi thực địa cùng lớp tập huấn: “Tài liệu và bản đồ hóa khu bảo tồn cộng đồng quản lý”, do PanNature tổ chức, từ ngày 16-20/5/2020.

Các hình ảnh được post trên facebook, ngày 19/5/2020:

 

KHÁI NIỆM VÀ NỘI HÀM VỀ “VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ”, “VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI”

Đến nay, trong các văn bản của nhà nước Việt Nam chưa có sự thống nhất về các khái niệm “miền núi, vùng cao”, “vùng dân tộc thiểu số, miền núi”, “vùng miền núi, dân tộc thiểu số”. Theo chức năng, nhiệm vụ, việc xác định bộ tiêu chí và thực hiện các loại phân định liên quan đến địa bàn miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc trách nhiệm của một số bộ, ngành khác nhau. Để triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà Quốc hội đã phê chuẩn, việc thống nhất về khái niệm và nội hàm có liên quan càng trở nên cấp thiết.

Bài viết của Vương Xuân Tình và Nguyễn Thị Thanh Bình đăng trên Tạp chí Dân tộc học, Số 2 – 2020 nhằm đóng góp cho nhiệm vụ nêu trên. Tóm tắt bài viết:

Phát triển khái niệm trong Nghị định số 5/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, các tác giả cho rằng: Vùng dân tộc thiểu số là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được chia thành 6 vùng chủ yếu: Vùng Đông Bắc, Vùng Tây Bắc, Vùng Ven biển Nam Trung Bộ, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Tây Nam Bộ, và Vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Tại các địa phương khác có dân tộc thiểu số cư trú, nếu đảm bảo tiêu chí về dân số của điểm 1, mục III của “Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” cũng thuộc vùng dân tộc thiểu số. Theo các tác giả, chỉ nên dùng khái niệm “vùng dân tộc thiểu số”, còn khái niệm “miền núi” nên sử dụng là một trong những tiêu chí cho việc xác định khu vực đặc biệt khó khăn của vùng này.

Từ khóa: Khái niệm, vùng dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 6 vùng chủ yếu, tiêu chí.

Toàn văn bài viết: Khái niệm và nội hàm về Vùng dân tộc thiểu số

MÁU CÔN ĐỒ

Trong vụ án Hồ Duy Hải, việc Nguyễn Hòa Bình nhất quyết bắt Hải phải chết là điều dễ hiểu.

Song, có một điều thật kinh ngạc: Bình và đồng sự đã quy kết Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là trái pháp luật !

Hành xử đó không khác gì một cú đạp vào mặt chế độ.

Có lẽ, đây là một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong lịch sử chính trị Việt Nam đương đại.

Leo lên đến Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao mà sao Bình vẫn cuồng nộ như vậy, vẫn ngu như vậy?

Chỉ có thể giải thích: “Máu côn đồ”.

Bình sẽ phải chết.

Song chết cũng không yên.

Vì xác Bình sẽ được ngâm tẩm phoóc môn, để trong những khóa học chính trị, người ta mang ra làm vật mẫu.

Fb, 11/5/2020

BÁO ỨNG ?

Sự phẫn nộ của xã hội với Nguyễn Hòa Bình có lẽ phải ngang vụ “Đặc khu” và “Đồng Tâm”. Khác chăng vụ này, Bình tự biên tự diễn là chính. Điều đó càng cực kỳ nguy hiểm cho Bình. Và dường như đã có báo ứng, chí ít với ba điểm sau đây:

1. Như một điềm xui: trước khi lâm trận, Bình lại vẽ vời chuyện dựng tượng công lý và tượng tiền nhân, khiến xã hội nổi đóa, chê cười ngu dốt và vạch mặt tham ăn.

2. Khi chủ tọa phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, Bình hành xử theo kiểu “người tự tử trong đồn công an bằng sợi chun quần”. Song đương nhiên, về danh nghĩa, Tòa án Nhân dân tối cao không phải cái đồn, vì thế Bình đang lãnh đủ các loại đạn từ cả phía dân và phía quan.

3. Đối thủ chính trị lại vừa tung ra bằng chứng tham nhũng của Bình, chi li tới từng mét vuông nhà đất kèm theo sổ đỏ sổ hồng. Bình lộ nguyên hình là một tên tướng cướp.

Như vậy, Bình đã tò tí te về uy tín, nhân cách. Và bằng quan sát từ cái đầu lạnh, tôi cho rằng sự nghiệp chính trị của Bình cũng te tí tò nốt. Bộ phận nhân sự của Đại hội 13 hẳn không bao giờ cơ cấu một cái xác thối.

Còn sau đận này, nếu Bình đứt mạch máu não, thì âu cũng chỉ là kết thúc cuộc sống thực vật.

Fb, 10/5/2020

VỤ ÁN TỬ TÙ HỒ DUY HẢI VÀ SỰ VẬN HÀNH QUÁI ĐẢN

Xã hội đang nóng lên với vụ xử Giám đốc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải. Trong khi chờ kết luận cuối cùng của Tòa, qua quan sát ý kiến trên báo chí và dư luận xã hội, có thể thấy, đa số mọi người đều cho rằng, đây là vụ án oan sai. Vấn đề là, những người có trách nhiệm trực tiếp có thấy oan sai không? Tôi tin là có người biết. Song biết mà tại sao vẫn nhắm mắt làm ngơ?

Vì họ nằm trong một sự vận hành rất quái đản.

Đó là biết sai đấy, nhưng không sửa hoặc không dám sửa. Tại sao vậy? Có thể sửa là tự mình chặt chân mình, vạch áo cho người xem lưng, hay bị thế lực áp chế, hoặc có thể bị mua chuộc, và sau nữa là tâm lý buông trôi đỡ nhọc thân.

Xin đơn cử ví dụ xa xôi một tí, nhưng vẫn nằm trong sự vận hành đó. Năm 2014, Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted) ra văn bản quy định chỉ những ai có bài đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI mới được xét tài trợ nghiên cứu. Quy định ký vừa ráo mực đã bị giới khoa học phản đối. Bởi theo quy định này, những người có sách hoặc chương sách của các nhà xuất bản có uy tín trên thế giới lại không được tính; và như vậy, Quỹ đã coi bài tạp chí có giá trị cao hơn sách và chương sách! Rõ ràng, đây là một quyết định rất ngu. Sau đó, bao nhiêu lần hội họp, góp ý, và Nafosted công nhận thiếu sót, song đến nay vẫn không sửa. Vậy nếu không gọi đó là quái đản, thì là cái gì? Quái đản ở ngay đỉnh cao trí tuệ của quốc gia.

Chuyện như thế, kể cả ngày cả tháng không hết. Và tôi tin rằng, có lẽ không mấy ai trên đất nước này không dính chưởng của sự vận hành quái đản đó, nhất là khi dây vào giấy tờ, hành chính. Một học trò của tôi bị cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo viết sai ngành đào tạo trên bằng tiến sĩ, mà phải 4 năm sau mới sửa lại được, và nghe nói còn phải “lót tay”.

Nhưng các chuyện như thế, xét cho cùng vẫn chỉ là vặt vãnh.

Thì đây: cả cái “Bốn tốt”, “Mười sáu chữ vàng”, ai cũng biết là sai, là đểu nhưng vẫn không hề sửa và vẫn cứ vận hành đó thôi.

Tóm lại, rất quái đản.

Fb, 7/5/2020

CHIA QUẢ THỰC

Trong lịch sử Việt Nam, đã có việc “chia quả thực” sau cuộc chiến còn tàn khốc hơn cuộc chiến, mà Lê Lợi với các đồng sự của ông là một ví dụ.

Đến nay, khi sự thật về ai soạn tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh được xem như đã sáng tỏ, mới thấy buồn và thương cho ông Phạm Xuân Thệ. Ông là tướng, song không thoát được cái mánh lới của một gã nông dân Bắc Kỳ.

Và cũng xin chia buồn với các nhà khoa học của Viện Lịch sử quân sự.

Fb, 1/5/2020

SÔNG BẾN HẢI VÀ CẦU HIỀN LƯƠNG

Trên đường thiên lý Bắc – Nam, sông Gianh và sông Bến Hải là hai nhát dao chia cắt trong lịch sử cộng đồng Việt.

Nhát thứ nhất – sông Gianh, tạo sự cắt chia đến hơn 200 năm, song khốc liệt chỉ gần nửa thế kỷ.

Nhát thứ hai – sông Bến Hải, làm máu đổ 21 năm, nhưng lại tạo nên một loại tâm bệnh mà 45 năm tiếp theo, cộng đồng Việt vẫn chưa yên.

Bến Hải có lẽ là một dòng sông đẹp nhất trên con đường thiên lý. Bức ảnh đầu tiên của tôi trên cầu Hiền Lương cũ, được chụp năm 2006; còn ba bức sau được ghi vào tháng 3/2020 – trên cầu Hiền Lương mới, cách cầu cũ khoảng 3 km phía thượng nguồn.

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải.

Song cầu nào nối lòng cộng đồng Việt ?

DSC01632Hiền lương 1 - CopyHiền lương 2Hiền lương 4

GIẢI LÝ LUẬN SUÔNG

Ở Việt Nam, công tác lý luận có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của xã hội và con người. Chẳng hạn, cải cách ruộng đất sau năm 1954 ở miền Bắc, đánh tư sản sau năm 1975 tại miền Nam, việc thiết lập mô hình hợp tác xã và tập đoàn sản xuất ở cả hai miền chính là “dưới ánh sáng” của lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Hệ lụy như thế nào khỏi bàn, song có thể nói: các lý luận ấy đi sau thực tiễn và bị thực tiễn lật nhào.

Lý luận sai cũng thường tình. Nhưng điều nguy hiểm là biết sai mà không sửa, hay không dám sửa, hoặc sửa nửa vời; rồi lại tiếp tục bao biện, quy chụp người chính trực, cản trở sự phát triển. Vì vậy, phải giải lý luận suông.

Nhìn lại lịch sử mấy thập kỷ qua, những người tiên phong giải lý luận suông đều là cán bộ gắn với hoạt động thực tiễn và nhân dân, không phải số lý luận kinh viện. Kim Ngọc với giải lý luận về hợp tác xã nông nghiệp, hay “con phe” giải lý luận nền kinh tế tập trung là ví dụ.

Trong những ngày này, đọc một số bài trên mạng xã hội và cả báo chí chính thống liên quan đến phương thức chống Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng thấy xuất hiện xu hướng giải lý luận suông. Có những lý lẽ rất sắc bén và đầy tinh thần xây dựng để Việt Nam chống lại bá quyền Trung Quốc. Họ vẫn chỉ là dân, hoặc những cán bộ trực diện đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo.

Tin rằng, nhân dân và những cán bộ như vậy sẽ giải mớ lý luận suông về vấn đề trên.

Fb, 29/4/2020

GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM CÓ GIÁO HÓA ĐƯỢC CON NGƯỜI ?

Ngoài cung cấp tri thức cho kiếm sống, giáo dục còn có chức năng to lớn nữa là giáo hóa con người.

Vậy mà PGS.TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) hôm qua vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm xung quanh quá trình mua sắm máy xét nghiệm COVID-19. Thông tin ban đầu là ông ta và đồng bọn đã đưa khống giá máy từ 2,3 tỉ lên 7 tỉ đồng một chiếc để kiếm chác.

Có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ, nghĩa là ông Cảm đã trải qua bao nhiêu cấp học, từ phổ thông đến chuyên ngành, và còn những khóa đào tạo, bồi dưỡng khác.

Nhưng sao ông ta vẫn làm cái việc phi nhân như thế ?

Cần nói thêm: ở Việt Nam bây giờ, có học hàm, học vị mà tham và phi nhân như ông Cảm không ít, nhất là với người có chức có quyền.

Tội của họ về hình sự thì khỏi bàn.

Song điều nguy hiểm hơn, là xã hội truy vấn: Vậy giáo dục ở Việt Nam có giáo hóa được con người ?

Fb, 23/4/2020

AI MUA SÁCH ĐÂY !

Cuốn sách này do Vương Xuân Tình chủ biên, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành lần thứ nhất vào năm 2018 (500 cuốn); và tái bản (300 cuốn) vào cuối năm 2019 (đều do Nhà nước tài trợ). Nay trong kho của Nhà xuất bản còn 72 cuốn và đang được giới thiệu trên “Sàn sách trực tuyến book365.vn”.

Rao cho vui vậy thôi, chứ còn có 72 cuốn cũng chưa phải hạng ế lắm nhỉ. 😜 Và theo các bạn tôi cho biết, trong lần xuất bản thứ nhất, có lúc sách đã bị thương lái đẩy giá lên gấp từ 3-7 lần so với giá bây giờ.

Cái chính là mời các bạn thăm gian hàng sách của Nhà xuất bản Khoa học xã hội:

https://book365.vn/gian-hang/nxbkhxh/sach/19981_quan-he-toc-nguoi-voi-cong-dong.html?fbclid=IwAR1KICH36c5oXesxLnZlStMmBTHy-rL9GY766wnBffTMBNdxGRQGYangyI0