BÌA VÀ BẢN ĐỒ CỦA SÁCH TẬP 4 “CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM”

Đây là thiết kế bìa và bản đồ phân bố tộc người của Tập 4 (Quyển 1 và Quyển 2) thuộc bộ sách 4 tập “Các dân tộc ở Việt Nam” của Viện Dân tộc học. Cảm ơn các nhiếp ảnh gia Lê Văn Liễu, Nguyễn Thanh Lợi, Trần Tấn Vịnh đã gửi cho những bức ảnh tuyệt đẹp để đưa vào bìa tập sách này. Cảm ơn các bạn Hoa Dang, Phạm Thị Cẩm Vân đã thiết kế bản đồ phân bố 17 tộc người của 4 nhóm ngôn ngữ Hmông – Dao, Tạng – Miến, Hán, và Mã Lai – Đa Đảo.

cac dan toc Vn tap4 q1
cac dan toc Vn tap4 q2
ban do tap 4

ĐẤU THẦU KHOA HỌC

Ở Việt Nam, đấu thầu khoa học cũng khốc liệt như các đấu thầu khác. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người ta đi đấu thầu. Với mình, đến nay mới chỉ qua một lần đấu thầu. Lần ấy chẳng phải mình máu me gì, mà bởi gợi ý của cấp trên và cũng là trách nhiệm với tập thể. Nhưng trượt oách.

Sau khi bị trượt, mình xẻ thịt cái đề cương không may mắn ấy để phân thân vào các hoạt động khoa học khác; trong đó, chỉ riêng phần tổng quan tài liệu đã đăng được 3 bài tạp chí cho mình và cộng sự. Vẫn trong ba bài tạp chí này, bài “Nghiên cứu về quan hệ dân tộc ở Việt Nam (từ năm 1980 đến nay)” tiếp tục được Website của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đăng lại, và từ năm 2014 đến 7 giờ sáng ngày 21/1/2018 có 7.169 lượt người đọc (http://www.vass.gov.vn/…/…/KhoaHocCongNghe/View_Detail.aspx…). Bài này còn được Website của Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đăng tiếp, và cũng từ năm 2014 đến 7 giờ sáng ngày 21/1/2018, có 7.680 lượt người đọc (http://nhanhoc.edu.vn/thu-vien/thu-muc-tap-chi.html). Như vậy, tổng số trên hai trang Web có 14.849 lượt người đọc. Hình như bài này có lượng bạn đọc nhiều nhất trong số các bài mình đã viết.

Kể lại câu chuyện trên đây, mình chỉ muốn chia sẻ với các đồng nghiệp đi, hay phải đi đấu thầu khoa học: dẫu có thất bại vì lẽ nào, cũng không để bị mất trắng !

Fb, ngày 21/1/2018

https://www.facebook.com/tinh.vuongxuan

THĂNG – THANH KÉM KHÍ

Quan sát phiên tòa xử Thăng – Thanh, đến tiết mục “nói lời cuối cùng” thì chán quá. Thăng cầm tờ giấy đọc y như trong một buổi kiểm điểm công chức nhàm chán, tí ưu tí khuyết, tí dấm tí ớt, rồi “chốt” lại mong cảm thông và xin xỏ. Còn Thanh thì bác bác cháu cháu, thút tha thút thít như thằng trẻ trâu. Mất hết sĩ khí của những kẻ trước đây tưởng ngang trời dọc nước.

Vì sao Thăng – Thanh, hai cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước lại kém sĩ khí như vậy ?

Nếu vì LẼ nào đó, chắc khí của Thăng – Thanh đã khác. Ừ, tội thì bố nhận. Đổ sai thì bố cãi. Vu oan thì bố tố cáo hay chửi mẹ chúng mày lên !

Hóa ra trước đây, Thăng – Thanh chỉ có khí rởm, bốc lên từ ghế, từ xôi thịt chứ chẳng phải từ một LẼ cóc khô nào cả.

Fb, 19/1/2018

https://www.facebook.com/tinh.vuongxuan

HỌC NGOẠI NGỮ

Có lần dự hội thảo tại Việt Nam, tôi rất thán phục người dịch cabin tiếng Anh (sau được biết đây là nhân vật “đỉnh” trong nghề này ở Hà Nội hiện nay). Phần chuyển ngữ từ Anh sang Việt, tôi nghĩ mình có thể đánh giá được; còn dịch từ Việt sang Anh, tôi hỏi các bạn quốc tế có vấn đề gì khúc mắc trong dịch báo cáo của tôi không ? Các bạn nói dịch rất tốt. Giờ nghỉ, tôi hỏi bạn phiên dịch: “Em học tiếng Anh ở đâu ?”. Dường như quá hiểu câu hỏi này, em nhoẻn cười hãnh diện: “Em học ở trong nước thôi ! Trước đây em học ở Đại học Sư phạm ngoại ngữ, sau cũng có được ra nước ngoài tu nghiệp ngắn hạn”. Tôi “ồ” lên. Bởi trước đó, tôi cứ nghĩ em phải được đào tạo rất bài bản ở một nước nói tiếng Anh.

Chuyện trò với em, tôi lại biết thêm một khẩu ngữ thú vị của những người làm công việc dịch thuật: “Giỏi tiếng Anh, nhưng tiếng Việt là ngoại ngữ !”. Ấy là nói tình trạng chuyển ngữ sang tiếng Việt – ngôn ngữ mẹ đẻ của một số người “giỏi tiếng Anh” rất ngô nghê. Thế mới thấm thía, làm nghề này phải giỏi cả hai ngôn ngữ. Về chuyển ngữ với thuật ngữ khoa học, tôi rất thán phục các cụ Nguyễn Từ Chi và Trần Quốc Vượng (đều không được đào tạo bài bản ở nước ngoài), bởi những thuật ngữ đó hễ “qua tay” các cụ đều chính xác, đích đáng và sinh động đến bất ngờ.

Kể lại câu chuyện trên đây, tôi chỉ muốn khích lệ các bạn trẻ chưa có cơ hội được đào tạo ở nước ngoài, bởi tôi biết khá nhiều bạn tự ti về ngoại ngữ. Cứ cố gắng học đi các bạn ạ ! Vả lại bây giờ, các bạn còn có bao nhiêu cơ hội học ngoại ngữ một cách bài bản ngay tại Việt Nam cơ mà ?

Fb, 16/1/2018

https://www.facebook.com/tinh.vuongxuan

XỬ THĂNG

Xem bình luận của cư dân mạng vụ xử Đinh La Thăng, có thể quy về ba trường phái: (1) Thăng đáng tội; (2) Thăng không đáng tội, bởi tội ấy do cơ chế, và nếu xăm soi quan chức Việt Nam hiện nay còn khối Thăng; (3) Nghi nghi hoặc hoặc.

Như thế, rất đáng quan ngại vì xử án là để răn đe, giáo dục.

Có lẽ đây là sản phẩm của một giai đoạn đặc thù chăng ?

Nhân việc này, lại nhớ chuyện ông người Nhật nói về chống tham nhũng ở Việt Nam: Nhà nước bắt tất cả công chức, viên chức của mình làm con tin.

Bởi chí ít, với cơ chế thanh toán như hiện nay, không ai tránh khỏi có lúc khai láo ký láo để “hợp lý hóa chứng từ”. Mà chỉ cần gian dối 500.000 đ đã mắc tội tham nhũng.

Ấy còn chưa kể hệ thống tư pháp có thể hô phong hoán vũ, kiểu như biến hai anh nông dân ở Bình Thuận thành kẻ nhận hối lộ !

Fb, ngày 14/1/2018

https://www.facebook.com/tinh.vuongxuan

 

XEM… XỬ ÁN

Trên mạng xã hội hai ngày nay nhộn nhạo chuyện xử Thăng – Thanh.

Song, mình có cảm giác y như dân làng Mơ nhà mình xem đám oánh nhau.

Nghĩa là ít chiều sâu của xúc cảm. Có vẻ như mọi người thiên về hò reo, cười cợt.

Nghĩa là đám oánh nhau chỉ làm cho làng nổ chuyện một tí,

Vui một tí,

Sau những lúc đầu tắt mặt tối với trâu bò gà lợn.

(Quan sát nhân học).

Fb, 9/1/2018.

KHÁI NIỆM, MỐI QUAN HỆ VỀ CHỦNG TỘC VÀ TỘC NGƯỜI

Khoảng một thế kỷ qua, trong khoa học và xã hội đã chuyển từ quan niệm chủng tộc (Race) theo góc nhìn sinh học sang cách nhìn của nhân học, đó là chủng tộc xã hội (Social race), bởi khác biệt về gen của các nhóm người chỉ 6 % và sự hỗn huyết ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại. Mặt khác, quan niệm về “chủng tộc” như vẫn thấy chỉ là thói quen dán nhãn, không dựa trên cứ liệu khoa học hay quản lý. Tiếng nói chung của cộng đồng thế giới là hướng đến quan điểm loài người chỉ có một chủng tộc, một dòng máu và phải chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Với tộc người (Ethnicity/ethnic group) về cơ bản được cho là cộng đồng văn hóa. Tuy nhiên, do bối cảnh lịch sử, xã hội nên việc xác định thành phần tộc người và chủng tộc ở một số nước khó phân biệt, và chủ yếu dựa vào tự xác định của người dân. Tại Việt Nam, không có vấn đề tiêu cực về chủng tộc, không thừa nhận chủng tộc là yếu tố trong xác định thành phần dân tộc. Thời gian gần đây, do những biến đổi của xã hội, việc xác định lại thành phần một số tộc người và nhóm địa phương cũng đặt ra, song để đảm bảo đoàn kết dân tộc nên các tổ chức có trách nhiệm vẫn thận trọng khi tiến hành.

Báo cáo này trình bày tại Hội thảo Tập huấn kỹ năng xây dựng và đối thoại báo cáo Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) theo quy định của Liên Hợp quốc, do Ủy ban Dân tộc tổ chức tại tỉnh Hòa Bình, ngày 3 và 4/1/2018.

Chủng tộc và tộc người